Phần 8-B: Khát vọng Việt Nam
Bài này là bài số 8 – Phần B. Các bạn tìm đọc Phần A của bài viết số 8 này trước khi đọc bài này để thấy tư duy liền mạch.
⚡ Xem lại Phần 8-A: Khát vọng Việt Nam
Dành tặng những bạn trẻ đang trăn trở với vận mệnh của đất nước. Bài viết số 8 *Phần B* trong Series Lược sử Siêu cường thế giới :
❤ KHÁT VỌNG VIỆT NAM !
2. VIỆT NAM CÓ ĐƯỢC ĐỊA LỢI?
Việt Nam có một vị trí đặc biệt như một con rồng 2 đầu với 2 vùng đồng bằng tập trung dân số lớn thứ 15 thế giới, địa hình kéo dài trên một dải đất hẹp liền mạch trên lục địa dọc theo vùng biển ôm gần trọn hết biển Đông, nhưng lại có một xương sống tự nhiên vô cùng vững chắc tạo bởi dãy Trường Sơn.
Chiều dài 1700km tạo ra độ sâu phòng thủ chiến lược – khoảng lùi để thực thi các sách lược phòng thủ vô cùng tốt chống ngoại xâm – khi bị tấn công xuống từ phía bắc hay bị tấn công ngược lên từ phía Nam. Các nước có vị trí gần tương đương thì lại là quốc đảo phân mảnh như Malaysia, Philippines.
Với địa thế như vậy, Việt Nam có thể phát triển hệ thống cao tốc nối Bắc Nam toàn tuyến, đường sắt tốc độ cao, nối liền toàn bộ các cảng biển trên chiều dọc đất nước tạo hạ tầng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cùng với một tuyến đường ven biển phục vụ du lịch.
Từ đó mở các đường xương cá vắt ngang từ nội địa hẹp ra biển là có thể thu hút lao động xuống các cảng biển trung tâm công nghiệp mới như Thanh Hóa, Nghệ An, Vinh, Quảng Nam, Quy Nhơn v.v thành một chuỗi ngọc trai thu hút FDI giống như các tỉnh duyên hải phía đông – nam Trung Quốc.
Dự kiến Việt Nam sẽ chi 3 triệu tỷ từ các gói QE Nhật, Hàn và vốn nội địa giai đoạn 2021-2025 một con số chưa từng có trong lịch sử, trong đó phần lớn đổ vào hạ tầng đón làn sóng FDI thứ 3.
Đón đầu trong công nghệ IT và Internet, điện thoại di động thập niên 90 đã tạo tiền đề cho chúng ta có nền tảng tiến lên xã hội số, chính phủ số để cải cách thủ tục hành chính và quản trị xã hội – đồng thời mở ra vô số cơ hội tích hợp công nghệ 4.0 với các ngành nghề cũ – sự giao thoa nảy sinh sáng tạo, tạo ra giá trị.
Việt Nam có địa thế đặc biệt thuận lợi cho năng lượng tái tạo như gió, mặt trời ở khu vực ven biển miền trung, miền nam và Tây nguyên và đã sớm bắt kịp trào lưu này, trở thành nước số 1 ASEAN về năng lực cung cấp năng lượng tái tạo.
Việc đảm bảo nguồn cung điện hỗ trợ chúng ta phát triển các ngành thâm dụng năng lượng như luyện sắt, chế tạo máy móc phục vụ xây dựng, đô thị hóa. Việc đô thị hóa nhanh chóng sẽ giúp cho người dân sớm tiếp cận với trình độ giáo dục cao hơn, mức độ tinh vi công việc, tay nghề cao hơn. Giai đoạn 2025-2030 là giai đoạn bùng nổ các khu đô thị, khu công nghiệp và du lịch khắp các tỉnh duyên hải ven biển.
Việt Nam sẽ khó bắt kịp ở các ngành công nghiệp có khoảng cách từ nghiên cứu phát triển tới sản xuất đã có sự chuyên sâu, tinh vi, đòi hỏi công nghệ – trình độ kỹ thuật cao như sản xuất xe hơi, sản xuất thiết bị điện tử v.v. – những sản phẩm mà thời gian phát triển đã có từ 50 năm đến 100 năm. Giống như động cơ ô tô chạy xăng dù Trung Quốc có tập trung cao dựa trên lợi thế quy mô lớn, cũng không thể bắt kịp các nhà sản xuất Đức, Nhật.
Vì vậy Việt Nam phải dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình ngoài công nghiệp nặng, công nghệ cao dựa trên FDI, thì cần có chiến lược tự chủ công nghiệp quốc gia ở: Công nghiệp nhẹ, Nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm áp dụng các thành tựu CMCN4.0, phát huy lợi thế đa dạng sinh học và đa dạng ẩm thực – tham gia vào chuỗi quản trị lương lực toàn cầu – giải quyết thách thức hàng đầu của nhân loại khi dân số toàn cầu tăng thêm 1 tỷ người từ 7,8 tỷ hiện nay lên 8,8 tỷ 2030.
Đặc biệt cần đón đầu 5G-6G để tạo hạ tầng “xa lộ tri thức” giá rẻ. Từ đó đầu tư giáo dục đào tạo các môn khoa học cơ bản sinh hóa nhằm đón đầu công nghệ sinh học vào năm 2040 – trụ cột quan trọng của CMCN4.0.
Đây mới là chiến lược đúng đắn để vươn lên thành nước phát triển, giống như nước Đức vươn lên ở đầu những năm 1900 là nhờ hóa học, thứ mà từ việc nghiên cứu đi ra sản phẩm chỉ trong một thời gian ngắn đã ra ngay sản phẩm lúc đó – suýt một chút nữa thì bom nguyên tử được tạo ra tại Đức chứ không phải tại Mỹ.
3. NHƯNG VIỆT NAM KHÔNG ĐƯỢC NHÂN HÒA
Mở cửa từ những năm đầu thập niên 1990 từ chỗ thu nhập đầu người 338USD năm 1996 – ở mức thấp nhất thế giới tới con số gần 3000USD/người/năm 2021 là một con số đáng kể nhưng so với Trung Quốc từ chỗ khoảng 400 USD năm 1980 tới 11.000 USD/người/năm năm 2021 – vượt bẫy thu nhập trung bình – thì mới thấy thành tựu của chúng ta thật nhỏ bé và chưa xứng với tiềm năng. Tại sao chúng ta chưa bứt phá được trong phát triển kinh tế.
Có thể thấy thuộc tính chung của các quốc gia Đông Bắc Á là : người dân chăm chỉ, kỷ luật, đoàn kết – có ý thức dân tộc cao. Còn chúng ta thì sao, phải chăng người Việt có quá nhiều tật xấu nên không thể đưa đất nước phát triển đặc biệt khi mà ở đó – nền kinh tế hiện đại dựa vào chất lượng con người là chủ yếu?. Chúng ta thử trả lời 3 câu hỏi sau:
– Câu hỏi đầu tiên : Vì sao người Việt chỉ hô hào giỏi, nhưng thực hiện thì chẳng vào đâu? Câu trả lời : Bởi lẽ xã hội người Việt từ lâu đã bị chi phối bởi 3 từ, như 3 tấm màn ngăn cản người Việt tiến bộ vươn mình đến đẳng cấp thế giới. Đó là “CHẠY”, “HƯ”, “SUY”.
CHẠY là gì? Từ chỗ – một nét tình cảm cao quý quanh lũy tre làng cây đa, giếng nước, sân đình, đùm bọc cộng sinh, cho nhau bát gạo, tắt lửa tối đèn có nhau – và con người thường cảm ơn qua lại lẫn nhau. Thì khi vào nền kinh tế bao cấp “Chạy” – thể hiện một sự “cảm ơn”, tiêu cực từ là “đút lót”, “lại quả” để nhằm đạt được cái mình muốn trong mọi chuyện – điều đã trở nên bình thường, và càng trở nên là điều trước nhất, phổ biến nhất trong mọi mối quan hệ, trao đổi lợi ích khi chuyển sang nền kinh tế thị trường .
HƯ : chính vì “Chạy” đã gần như giải quyết được mọi việc thì mặc nhiên tất cả mọi thứ đều có thể “chạy” được kể cả các giá trị luân lý, giá trị học vấn, bằng cấp, chức vị v.v. Và vì thế, phần đông xã hội coi trọng hư học, hư danh mà không có thực học, thực làm. Con người trong xã hội thường hay dùng hình ảnh “Hư ảo” của chính mình trong trao đổi lợi ích với người khác – đó chính hành vi lừa gạt.
SUY : Từ 2 vế trên tất đưa tới kết cục – hậu quả là Suy – ở nghĩa rộng tức “Thượng bất chính thì Hạ tắc loạn”, nếu từ trên xuống dưới không còn niềm tin với nhau, ngang hàng mọi người trong mỗi giai tầng xã hội cũng không tin nhau. Trong giáo dục phẩm giá một con người – ngay từ trẻ nhỏ đã coi hành vi gian lận, quay cóp là bình thường.
Thì những người đó lớn lên, làm thầy giáo, làm công chức – công quyền, cái vòng luẩn quẩn : con gà xấu đẻ ra quả trứng xấu, quả trứng xấu nở ra con gà xấu. Xã hội không ngừng quay “Vòng lặp SUY” với hậu quả mà nó chi phối phổ biến ở đó là : hô hào xong rồi để đấy vì con người mất niềm tin ở nhau. Và đặc biệt, khi yếu tố phẩm chất con người không ra gì thì thực thi sẽ đa phần thất bại, hoặc chăng nếu có thành công thì phí tổn cũng lớn hơn rất nhiều bởi thất thoát.
Lối thoát khỏi vòng lặp này là : Văn hóa – giáo dục.
– Câu hỏi số 2 : Có phải người Việt kém sáng tạo nên không nghĩ được, làm được các sản phẩm cạnh tranh trong nền kinh tế mà sự đổi mới liên tục là năng lực cạnh tranh quan trọng nhất? Không phải, lý do ẩn sâu ở đây là người Việt chưa học hết kiến thức của thế giới thì làm sao có thể sáng tạo, người Việt phần lớn vẫn trong cái giếng của mình từ thời bao cấp, bởi vậy những gì người Việt làm đa số là phát minh lại cái bánh xe – những gì mà thế giới đã làm, hoặc là chỉ biết sao chép vì hành vi thiếu trung thực, ăn cắp đã là điều bình thường – phổ biến, do hậu quả SUY ở câu hỏi số 1.
Giải đáp cho câu hỏi này : là giáo dục.
– Câu hỏi số 3 : Phải chăng người Việt kém đoàn kết, không giữ đúng cam kết trong các quan hệ dân sự kinh tế – cùng cổ đông kinh doanh?
Không phải, bởi lẽ giáo dục xuống cấp, văn hóa xã hội bị méo mó, phân mảnh, giá trị luân lý Nho giáo không còn– một thứ mà người Việt cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc lấy làm trụ cột, gốc rễ để giáo dục con người, để hợp tác, xây dựng xã hội, quốc gia trong cả ngàn năm. Ngược lại, trong chiến tranh cả dân tộc cùng hướng tới mục tiêu duy nhất là sống sót trước kẻ thù, và vì thế chỉ có con đường duy nhất là phải đoàn kết dưới một lý tưởng của nền kinh tế tập trung.
Giải đáp cho câu hỏi này : là giáo dục.
Chỉ cần 3 câu hỏi trên đã có thể trả lời cho nguyên nhân của hầu hết thói hư tật xấu của người Việt ngăn cản cho sự phát triển như : vì lạc hậu nên như sính ngoại; vì yếu kém nên phải khoe khoang; vì có thể “chạy” nên vô kỷ luật, vì có thể “chạy” nên cảm thấy không cần Thực học; vì chưa có phải tỏ cho có – nên không trung thực; vì sự bất tín là phổ biến nên khi người khác khởi xướng sáng tạo, chưa biết thật giả đã đố kỵ, dìm hàng, chọc gậy bánh xe; vì học vấn thấp – “hư học” nên không có “lý tưởng phụng sự”, làm gì cũng manh mún, chụp giật hòng mong sớm có kết quả dẫn tới người Việt hợp tác với nước ngoài luôn bị nhìn nhận “kém tin cậy”, bị coi là dân tộc “nhược tiểu”, “hèn kém” v.v.
Để Việt Nam hùng cường ngoài thiên thời, địa lợi phải có nhân hòa, đó là :
- Con đường để đi tới sự thịnh vượng rốt cục là phải xây dựng các giá trị phẩm giá con người Việt Nam tốt đẹp – từ một nền văn hóa hội tụ các giá trị luân lý tốt đẹp ngàn đời trong dòng máu Việt.
- Hội nhập hơn với thế giới văn minh để tạo áp lực tự cải tạo, tự nâng cấp cho bộ máy công quyền, và mở rộng FDI được tuyển chọn, sàng lọc – giúp đào tạo công nhân – dân chúng sớm rèn rũa các hành vi kỷ luật công nghiệp, bước đầu của văn minh dân sự.
- Một xã hội phải có độ lớn về trí tuệ, phẩm hạnh, dân chúng đa phần có học vấn cao mới sản sinh ra cán bộ – nhà quản lý có tài đức. Ngược lại, cần giới lãnh đạo có tài đức mới có thể làm gương, dẫn dắt dân chúng nâng cao học vấn.
Nhưng còn cách làm? Làm một cá nhân – con người thay đổi đã khó, làm cả một xã hội – 100 triệu người thay đổi lại vô cùng khó hơn?
Nếu nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam hiện tại thì thấy vô số các quan điểm tiêu cực nhìn nhận là Việt Nam không thể thay đổi – bộ máy nhà nước ở đó tham nhũng đang là phổ biến – dường như không thể “tự phê bình để tự trong sạch”.
Chúng ta vẫn sẽ mắc kẹt trong sự tỵ nạnh, nghi kị và tẻ nhạt với nhau – ai cũng muốn nhìn người khác thay đổi trước – rốt cục chẳng ai thay đổi. Lý gì phải mất năng lượng – tuổi thọ cá nhân có giới hạn này vào sự thay đổi, trong khi bao kẻ cơ hội đang hưởng “cuộc sống tốt hơn”?.
Và mình đã nhìn thấy vận hội, thời cơ đưa ra giải pháp.
Việt Nam giai đoạn 202x cũng giống như xã hội Nhật năm 186x, đã có một lượng giới tri thức Tây học, giới kỹ trị, và cả giới tri thức trong nước nhưng còn tản mác, chưa kết nối được với nhau bởi tấm mây mờ giăng phủ của nhiều kẻ hư học, lừa đảo, thành ra con người e dè, và chưa tìm được tới nhau.
Điều đó càng đúng với mệnh đề :
“Không phải Việt Nam không có những con người có tài năng, có phẩm hạnh, và hiểu nguyên nhân tụt hậu kém phát triển ở trên. Thời nào cũng vậy, nhân tài Nam Việt luôn có, nếu không có – há gì hình hài đất nước vẫn còn tồn tại tới hôm nay. Một xã hội, một dân tộc luôn cần có thời gian để hun đúc những nhân tài có đủ phẩm hạnh – hoặc đang trên hành trình tu dưỡng hoàn thiện phẩm hạnh – cùng nhau dẫn đạo Quốc dân thay đổi từ chỗ Lạc hậu trong thế kỷ 20, chuyển sang Tiến bộ thích ứng với thế kỷ 21.”
Nhưng nếu chỉ dựa vào những con người này thôi thì không thể vì một nhóm người thì không thể tạo ra được “Xu thế chuyển đổi xã hội”, điều quan trọng là những con người này phải khởi xướng, truyền cảm hứng một phong trào chấn hưng DÂN KHÍ, phải có một lực lượng lớn người dân lên được tầng lớp trung lưu khi được đô thị hóa, tiếp cận với giáo dục tốt hơn, cùng hiểu và chia sẻ với nhau câu trả lời cho 3 câu hỏi ở trên, thì mới tạo thành quốc dân CÔNG LUẬN.
Từ một nền công luận mạnh mẽ như xã hội Nhật cuối thế kỷ 19 mới tạo đủ áp lực cho công cuộc Duy Tân. Bởi lẽ nhân lực trong chính phủ – quan chức cũng chính là từ dân mà ra, toàn dân có vô số người giỏi có đức có tài, ắt hẳn sẽ có nhiều người tham gia hoặc hỗ trợ, hiệu chỉnh bộ máy nhà nước.
Đây cũng là kinh nghiệm mà người Hà Lan nhỏ bé vùng rìa của trung tâm văn minh Phương Tây, vươn lên siêu cường bằng đạo đức Tin Lành tiến bộ hơn vùng trung tâm văn hóa Kito Roma thủ cựu như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thế kỷ 18.
Và khi giới cầm quyền Việt Nam cũng như – Thiên Hoàng Minh Trị hiểu ra sự cần thiết của Duy tân, sự cần thiết phải thay đổi – giáo hóa dân chúng, cải cách sâu rộng giáo dục đào tạo, làm gương về sự liêm chính, trọng dụng hiền tài, tạo hiệu ứng tiền hô hậu ủng – sự hưởng ứng toàn dân, hướng tới khát vọng hùng cường.
Từ đó mới có thể nâng cao khả năng tiếp thu kỹ thuật, công nghệ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu – tức mới có những sản phẩm Made in Việt Nam thực thụ – chứ không phải là những sản phẩm OEM 100% từ Trung Quốc rồi dán mác tự hào dân tộc.
Chỉ như vậy mới thoát khỏi lời nguyền Thái Lan, Malaysia hay phần lớn Asean “không thể thoát bẫy thu nhập trung bình” – một kiếp bán sức lao động rẻ – sự chênh lệch năng suất từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp. Và khi hết lợi tức dân số vàng, FDI nước ngoài rút đi, để lại một không gian địa lý với đa phần nguồn tài nguyên quản trị kém, ô nhiễm môi trường.
Hậu quả phần đông người dân bán sức lao động – tuổi xuân trong 4 bức tường nhà máy – không có ý chí, tầm nhìn, khát vọng vươn lên nấc bậc cao hơn – để rồi ở tuổi xế chiều ung thư, bệnh tật, sống vùng rìa của các khu đô thị trong các mái nhà tạm xiêu vẹo bao quanh những bứt tường cao ngăn cách với Park city – cộng đồng những người Tinh hoa mới – nhưng đã vô cảm, không còn cảm xúc dân tộc, và luôn sẵn sàng chuyển hết tiền và đi ra nước ngoài khi có biến loạn.
Khi đó mới thấm thía câu: “Thà rằng như trước đó ai cũng như ai – nghèo đói như nhau, sống với nhau có tình, nghèo mà thanh bình, còn hơn giờ đây chỉ giàu một số ít, phần đông trong bất công nghèo khổ, con người không còn tình nghĩa với nhau”. Số ít làm giàu bất chính ấy sẽ ngày một nhẫn tâm hơn, giá trị xấu cứ từ trên xuống len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Tương lai một dân tộc như vậy sẽ về đâu, chắc chắn sẽ thành một sự sụp đổ xã hội, một kẽ hở hố sâu ngăn cách giai tầng luôn là cơ hội cho ngoại bang chui vào kích động – kích nổ một quả bom “bất công”, “bom dân chủ-nhân quyền” nhằm kích hoạt chiến tranh – một cuộc chiến ủy nhiệm mà ở đó lợi ích để họ nhằm lan tới – làm suy yếu đối thủ sừng sỏ dám thách thúc siêu cường.
Đây cũng là khía cạnh của những người Tây học cũng không nên thần tượng hóa, thần thánh hóa các xã hội phương Tây, mù quáng coi tất cả các giá trị phương Tây là đúng – sự du nhập về quản trị xã hội cho một xã hội cụ thể cần sự thích ứng và cải biến cho phù hợp chứ không phải người Phương Tây chỉ sao làm vậy. Vì họ có những lập trường, có những tính toán, những mưu đồ lợi ích riêng của xã hội của họ, và cũng có nhiều giá trị, phương thức quản trị xã hội Phương Tây đang đi vào giai đoạn suy thoái.
“Chủ thuyết Tự do cực đoan của Mỹ cho rằng xã hội họ đã đạt đến giai đoạn mà mọi người sẽ tốt hơn nếu họ được phép làm theo ý mình – điều này khuyến khích người Mỹ từ bỏ nền tảng đạo đức luân lý xã hội, làm giàu bằng mọi giá – điều đó cũng tác hại như chủ nghĩa cộng sản cực đoan của cách mạng văn hóa.”
Vì thế, càng đáng trách hơn với nhiều người Tây học khi về Việt Nam, áp dụng thiết lập – set game, các mẻ Zero game – Trò chơi tổng 0 trong tài chính, đầu tư v.v. Họ tranh thủ trục lợi, làm giàu bất chính trên lỗ hổng của chế tài quản lý – do sự lạc hậu chưa theo kịp của pháp luật với sự thay đổi kinh tế – xã hội, và sự kém hiểu biết, chênh lệch thông tin của bộ phận lớn dân chúng về thị trường, phương thức tái phân phối, đầu tư của thị trường chứng khoán, tài chính, bất động sản.
4. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHẤN HƯNG DÂN KHÍ?
“Hưng Quốc – Cường Binh – Định hình căn tính dân tộc”
Với người Nhật, Trung, Hàn họ dùng khẩu hiệu chấn hưng dân khí : Hưng Quốc – Cường Binh, nhưng chúng ta phải thêm vế thứ 3 “Định hình căn tính dân tộc”. Hưng Quốc – Cường Binh là mở cửa, phát triển đầu tư nước ngoài, FDI nhằm lan tỏa tri thức mạnh hơn nữa, tăng cường giáo dục để nhận chuyển giao công nghệ, GDP tăng thì quốc phòng mạnh.
Vậy tại sao phải định hình Căn tính dân tộc? Không lẽ người Việt không phải là người Việt?
Nói tới người Nhật người ta nghĩ ngay tới kỷ luật, nói tới người Hàn người ta nghĩ ngay đến vô cùng chăm chỉ để ganh đua với người Nhật, nói tới người Hoa lập tức người ta nghĩ tới họ rất trọng chữ Tín trong mọi mối quan hệ.
Người Trung, Nhật, Hàn không bị người Pháp đô hộ gần trăm năm như nước ta, không bị Pháp tẩy sạch văn hóa Nho giáo tức thì như ta. Vậy nên khi họ cải cách – duy tân, họ vẫn phục hưng các giá trị Nho giáo truyền thống làm các điểm tựa, mỏ neo luân lý cố kết hợp tác xã hội. Thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên giá trị thành tín và giữ xã hội trật tự, giữ gìn một nền văn hóa cần kiệm, chăm chỉ, hiếu nghĩa, kính trọng bề trên – người già và sự uyên bác, ham học hỏi. Những giá trị này hun đúc nên một dân tộc có năng suất và giúp phát triển kinh tế.
Nếu Phương Tây chủ nghĩa tự do – coi “cá nhân” là một tế bào của xã hội thì Phương Đông –Nho giáo tin rằng “gia đình” mới là tế bào của xã hội, và cá nhân tồn tại trong phạm vi của gia đình, đại gia đình, bạn bè và đoàn thể rộng lớn hơn, chính phủ không thể và không nên đảm nhận vai trò của gia đình.
Với người Đông Á tự do chỉ có thể tồn tại trong một tình trạng trật tự chứ không phải trong một sự hỗn loạn – một xã hội ngăn nắp đủ đầy, không hỗn loạn bởi bất bình đẳng mới có thể giúp mọi người thụ hưởng tự do –điều này nhìn thấy rất rõ ở xã hội Nhật Bản – một nước được coi là mang nhiều màu sắc tự do dân chủ Phương Tây.
Đầu thế kỷ 20, chúng ta đã phát động phong trào “Tân thời” – bỏ cũ theo mới, Trần Trọng Kim – sử gia năm 1930 đã thốt lên:
“Người mình nông nổi không suy nghĩ cho chín chưa gì đã đem phá hoại tất các giá trị Nho giáo xưa cũ, thành thử cái dở của mình thì không bỏ được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội ta được bền vững mấy nghìn năm”.
Vì thế tất cả các nước Đông Á phát triển có nền tảng luân lý vững vàng để du nhập, học tập các môn khoa học kỹ thuật, còn chúng ta thì không.
Chúng ta đã phủ nhận gần như tuyệt đối Nho Giáo khi chuyển sang chữ quốc ngữ – không còn dùng chữ Nho trong ghi chép nhà nước, chữ nôm trong văn học dân gian, và hàng nghìn bài ca dao dạy nhau – bà dạy cháu, mẹ dạy con. Sao lại là ca dao, tục ngữ, văn vần dạy luân lý?. Vì Hán tự khó học, dân đa phần mù chữ, chủ yếu phải dùng phương pháp truyền miệng để giáo hóa, gìn giữ bản sắc văn hóa.
Chúng ta bước ra thế giới từ ngày Pháp xâm lược 1884 tới nay gần 150 năm, phần lớn dân chúng vẫn như anh nông dân từ lũy tre làng đi ra thành phố nhưng các công cụ truyền tải văn hóa truyền thống ngàn năm lại không còn – hay chưa kịp chuyển đổi sang nền tảng mới.
Vậy giờ đây là lúc chúng ta xem xét những giá trị nào trước đây rất có ích cho xã hội giờ vẫn còn có thể tiếp tục duy trì trong điều kiện mới thay đổi? Những giá trị nào cần kiên quyết vứt bỏ để định hình căn tính dân tộc. Và Công Luận – chúng ta làm lan tỏa giá trị này vào công chúng để từ đó Nhà nước thấy rõ sự lợi hại sẽ tập trung ý chí chính trị để thúc đẩy sự thay đổi tiến bộ diễn ra nhanh hơn.
5. ĐỊNH HÌNH CĂN TÍNH DÂN TỘC.
Năm 2021 Đại hội văn hóa lần thứ 2 sau 63 năm, Nhà nước đã nhận thức được tầm quan trọng Văn hóa dẫn đường cho Quốc dân đi, mà ở đó cần xây dựng các giá trị phẩm giá con người Việt Nam – chính là các giá trị thể hiện căn tính dân tộc chỉ là theo một cách gọi khác.
Những giá trị được đưa ra rất nhiều như : Yêu nước, Nhân ái, Nghĩa tình, Trung thực, Đoàn kết, Cần cù, Kỷ luật, Sáng tạo, Nhân các, Phẩm giá, Danh dự, Lương tâm, Ý thức, Trách nhiệm v.v – gần như toàn bộ các giá trị phổ quát con người – điều này sẽ khó thực thi và dễ chỉ lại tồn tại trên khẩu hiệu nếu quốc dân không thấy được lợi ích cụ thể của mình ở đó, khi thay đổi.
Vì vậy trong series bài này, các bạn đã thấy cái nhìn toàn cục trong bản đồ thời cuộc ở mục thiên thời địa lợi – các câu chuyện, kinh nghiệm của các nước siêu cường – đưa cả dân tộc thay đổi, thích ứng để chớp lấy cơ hội vượt lên ở mỗi bước chuyển hóa lớn của thời cuộc, như 4 mùa xuân – hạ – thu – đông của công nghệ, phương thức sản xuất, để mỗi nước từ chỗ chậm phát triển lên chỗ phát triển hơn.
Việt Nam nằm ở vùng giao của 2 hệ tư tưởng chủ đạo XHCN mang màu sắc dân tộc của văn minh Phương Đông đại diện là Trung Quốc với TBCN cực độ của văn minh Phương Tây – đại diện là Mỹ. Chúng ta sẽ hiểu người Trung Quốc hơn người Hàn, người Nhật hiểu về Trung Quốc – chúng ta và Trung Quốc có không chỉ nhiều điểm tương đồng về văn hóa truyền thống mà còn cả cùng ý thức hệ chính trị.
Như vậy Việt Nam nằm không chỉ ở tâm của điểm giao cả trên bản đồ sức mạnh kinh tế – Bản đồ thời cuộc như mô tả ở trên, bản đồ ý thức hệ, mà cả bản đồ địa chính trị khu vực với cái rốn – ngòi nổ chiến tranh bậc nhất thế giới – tranh chấp trên biển Đông. Nơi có lượng khí đốt và dầu khí lớn có có trữ lượng có thể khiến Trung Quốc trở thành cường quốc dầu khí tương lai ngang Mỹ – một lợi ích cốt lõi mà họ chắc chắn sẽ không nhân nhượng, và ngày càng mạnh bạo hơn trong khẳng định chủ quyền.
Vì vậy 3 giá trị sau sẽ định hình lên căn tính mới của Việt Nam dễ nhớ, dễ tập trung cùng thực hiện, và phát huy giá trị lâu đời để tiến đến hùng cường – thịnh vượng, đó là :
- 1 – Thân thiện
- 2 – Kết nối
- 3 – Thành tín
3 giá trị này hòa quyện với nhau thành một khối năng lượng HÒA KHÍ – sự cân bằng của khu vực, tạo lập cầu nối hiểu biết lẫn nhau khi sự xung đột của 2 hệ tư tưởng, 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới – tạo ra dịch chuyển trung tâm quyền lực – sẽ diễn ra phần lớn ở biển Đông và Việt Nam ở thế kỷ 21.
Khi sự phân cực, phân ly, dẫn đến đối đầu trở nên cực đoan, gay gắt bởi lẽ người Trung Quốc sẽ ngày càng tiến lên chủ nghĩa dân tộc, họ cũng bắt đầu bước vào khu vực – “cái giếng” của chính mình khi nhìn nhận về thế giới Phương tây – cụ thể là Mỹ với thành kiến, định kiến, bởi sự nghi kỵ và xen lẫn cả sợ hãi.
Và người Phương Tây cũng sử dụng “cái giếng” của mình khi xử lý các vấn đề Phương Đông trong vấn đề dân túy dân chủ, chia rẽ dân tộc thiểu số trong nội vùng chủ quyền của một quốc gia khác.
Vai trò HÒA KHÍ này của Việt Nam càng rõ nét hơn khi đại sứ quán mới của Mỹ – ngân sách 1,2 tỷ USD – một trong số ít các đại sứ quán đắt nhất thế giới – nơi điều hành chính sách chủ yếu của Mỹ trong Asean sẽ dịch chuyển từ Singapore tới Hà Nội 2025-2035.
Chỉ có duy trì được HÒA KHÍ, tháo gỡ và làm rõ những nguy cơ mới, những đốm lửa mâu thuẫn mới giúp chúng ta thoát bẫy chiến tranh trên Biển Đông, góp phần cân bằng trục lộ giao tiếp giữa văn minh phương Đông và văn minh Phương Tây.
Từ kinh nghiệm này, người Việt có thể tham gia góp phần quan trọng trong các vấn đề hòa bình thế giới ở các khu vực khác – như Châu Phi nơi lính tình nguyện Việt Nam tham gia quân bảo an LHQ – hay trong các hoạt động ngoại giao liên khu vực. Có được hình ảnh uy tín quốc tế cao – tranh thủ sự ủng hộ, thúc đẩy đầu tư, thương mại, và chuyển giao công nghệ , đồng thời giúp hỗ trợ mở rộng thị trường ra châu lục khác – là động lực chính cho thịnh vượng.
Căn tính số 1 :THÂN THIỆN, là giá trị đúc kết từ hai chữ Nghĩa tình, tình làng nghĩa xóm ngàn đời.
Trăm năm qua Nghĩa tình bị bóp méo trong lối sống tân thời – đời sống hiện đại của người Pháp khai hóa. Nghĩa tình lẽ ra nó phải được hiểu là quan hệ giữa hai cá nhân là một quan hệ cộng hưởng lợi ích ràng buộc trong các khế ước xã hội mà hai bên cùng thực thi, cùng cam kết để cùng có lợi ích. Thì lại bị phổ biến, dị bản thành quan hệ “lệ thuộc”, ngóng chờ lợi ích lớn hơn từ phía kia, thậm chí thường biến thành quan hệ trục lợi.
Và khi hành vi trục lợi bị phanh phui thì con người bị tổn thương, sự tổn thương, đau khổ tạo ra nghi kỵ – từ đó lại làm lây lan sự trục lợi, sự tổn thương sang người khác.
Người Phương Tây ngay từ nhỏ vốn đã được rèn tâm tính, hành vi “độc lập”, khác với người Phương Đông coi trọng tình cảm – phải vì người khác – tức là sự “đùm bọc”, nhưng thường dễ hiểu nhầm theo nhĩa “phụ thuộc” – sự méo mó của giá trị Nghĩa tình. Vì vậy chọn giá trị căn tính Thân thiện ở đây là nhấn mạnh sự hòa nhã, hiếu khách định hình các hành vi cư xử đúng mực, tử tế.
Căn tính số 2 : KẾT NỐI. Người Việt bước vào thế kỷ 21 với hành trang – sự may mắn, và mẫn cảm với thời cuộc – dưới thời thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết tâm làm đường điện 500KV, dưới thời Phan Văn Khải quyết tâm làm lại đường Hồ Chí Minh, các cảng biển, và đón đầu kết nối Internet – mạng di động thập niên 90. Giúp chúng ta có hạ tầng để đón đầu ở kỷ nguyên của sự kết nối tốc độ ánh sáng – CMCN 4.0. Và giờ cái chúng ta cần là những kết nối có giá trị – điều nằm ở sự chi phối của con người.
Mỗi lần Việt Nam kết nối với thế giới về phần cứng hạ tầng hay phần mềm thể chế và thương mại là có thêm ngay sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn – như cách mà người Bồ Đào Nha đi ra thế giới. 3 giai đoạn tăng Kết nối – hội nhập đã tạo ra ba làn sóng BĐS, đô thị hóa – các bạn nên đọc thêm chi tiết ở 3 bài viết này trong group FB An Cư.
Căn tính số 3 THÀNH TÍN, trọng tín, sống tử tế có thể là một dạng thiên tính – nhiều người đã sẵn có, nhưng cũng là một dạng đỉnh cao trí tuệ phải là người tu dưỡng, rèn luyện học hỏi, mới có thể giữ được cam kết của mình với người khác, nhằm vươn tới các giá trị cao hơn.
Để giá trị Thành tín trở thành phổ biến trong quan hệ dân sự, trong xã hội, đòi hỏi một cuộc phát động toàn dân như là 1 cuộc “chiến tranh nhân dân” chống cái dốt, cái thiển cận, lối nghĩ ngắn, cơ hội, bất tín. Trí tuệ là cái gốc của Tín nghĩa, giá trị quan trọng để đoàn kết cùng nhau làm ăn kinh tế.
Muốn phần đông dân chúng trí tuệ, cần phát động một phong trào Thực học – ở đó mỗi người dân là một “chiến sỹ” cầm sách – tri thức đúng đắn, mỗi gia đình là một pháo đài Home education, mỗi cộng đồng là một “lũy tre làng” gắn kết nghĩa tình sẵn lòng chia sẻ, trao đổi tri thức, hợp tác. Từ đó Việt Nam mới có thể đổi mới sáng tạo – thúc đẩy tiến bộ xã hội, mới có cơ hội trở thành nước phát triển.
6. THỊNH VƯỢNG ẨN DƯỚI CÁC BƯỚC CHUYỂN CỦA SỰ “KẾT NỐI”
Toàn bộ lịch sử 13.000 năm của loài người tinh khôn cho thấy mỗi lần xã hội loài người có bước chuyển lịch sử, thì đó là lúc “sự kết nối giữa con người với con người” lại nâng cao lên một bậc.
Việc tìm ra lửa giúp các cá nhân đơn lẻ ngồi lại với nhau quanh đống lửa để tạo thành bầy đàn hợp tác. Việc tìm ra cây lúa giúp các bầy đàn sống quần cư bên nhau bên những con sông để phát triển thị tộc, xóm làng. Việc phát minh ra bánh xe giúp cho các xóm làng thị tộc liên kết với nhau tạo thành một xã hội, một quốc gia với căn tính dân tộc cụ thể.
Để thấy hành trình quốc gia này mạnh hơn quốc gia khác chúng ta đã đi ngược 500 năm, thịnh vượng ập tới với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha khi phát minh ra thuyền buồm và kỹ nghệ hàng hải để kết nối liên lục địa.
Đổi mới trong ngành tiền tệ, tài chính ngân hàng, công ty cổ phần – cổ phiếu đã giúp giới Quý tộc Hà Lan đại diện đầu tư cho giới quý tộc Châu Âu kết nối với nhau tạo thành công ty Đông Ấn – xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa – chuỗi cung ứng quy mô toàn cầu đầu tiên và giúp Hà Lan thịnh vượng.
Người Anh nâng cấp khả năng kết nối cao hơn khi phát minh ra động cơ hơi nước, tàu hỏa đưa nhân loại vào CMCN 1 – đưa hàng hóa, con người, tri thức, đồng vốn đi xa hơn, nhanh hơn – giúp Anh thành đế quốc toàn cầu.
Người Mỹ đã cải tiến sự kết nối, phân tầng lao động tinh vi thông qua tiêu chuẩn hóa chi tiết các linh kiện tinh vi có thể hoán đổi cho nhau cấu thành vô số chủng loại hàng hóa trên các dây chuyền công nghiệp tự động hóa, để trở thành nước siêu cường.
Người Nhật, người Hàn, Đài, Sing chớp lấy cơ hội phát triển bước ngoặt của hàng không phản lực thân rộng giá rẻ để phát triển Chuỗi cung ứng, mở ra phong trào FDI Đông Á, kéo người Mỹ tham gia giúp phát triển nền kinh tế.
Người Trung Quốc cũng nhanh chóng lợi dụng số hóa và kết nối Internet do người Mỹ nghĩ ra để sao chép, thu hút các nhà máy, các thiết kế công nghệ – nay đã số hóa có thể chuyển thẳng sang Đại Lục với tốc độ ánh sáng – hút nguồn lực trí tuệ từ Mỹ qua Trung Quốc sản xuất hàng hóa – chiếm vai trò công xưởng thế giới của Mỹ.
Thu lợi chính nhờ sự kết nối giá rẻ qua hệ thống container đường biển phát minh sau thế chiến thứ 2, ngành hàng không phản lực, và Internet – Đông Á đã có một hệ sinh thái sản xuất công nghiệp. Đó là – Chuỗi cung ứng – phân chia vùng ảnh hưởng và phân công lao động tinh vi, và gắn kết với nhau với con nhạn đầu đàn Nhật Bản đan xen với một trật tự mới mà Trung Quốc sẽ xây dựng trong mạng lưới kết nối thịnh vượng Con đường tơ lụa.
Asean là trung tâm của sự giằng co rút về Ấn Độ Dương, và Việt Nam giữ vị trí trung tâm của các trung tâm – có vai trò như Hong Kong ở nhiệm vụ ngược lại khác với Hong Kong thập niên 80 là cánh cổng Mỹ đi vào Trung Quốc – thì nay Việt Nam là cánh cổng Mỹ rút ra khỏi Trung Quốc trên địa đồ Trung Quốc +1. Đó cũng là lý do tại sao thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc tăng đột biến trong 5 năm qua kể từ khi Trump phát động chiến tranh thương mại.
Đàn nhạn Đông Á giờ đây có Việt Nam là điểm kết nối mới, trẻ, năng động và đầy khát vọng, cùng với Singapore giữ vị trí trọng yếu ở phía nam – quốc gia này vẫn giữ sự trung lập như vốn có để có thể vừa nhận dòng tài chính nóng từ Trung Quốc và dòng tài chính lạnh từ Phương Tây và tái phân phối cho các nước còn lại.
Bởi lẽ Trung Quốc có tranh chấp biển đảo với hầu hết các nước Asean, nên sẽ rót vốn vào khu vực này một phần lớn thông qua 2 trung gian tài chính là Hong Kong và Singapore – và đây cũng là lý do Singapore luôn giữ top 1 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vốn vào Việt Nam.
Chúng ta đang ở thời điểm lịch sử của sự kết nối. Chỉ trong 3 năm Covid, sự kết nối qua FB, TIKTOK và vô số app họp mặt trực truyến v.v. Đã cho chúng ta một công cụ mở mang tầm nhìn, thúc đẩy phản biện – tiến bộ xã hội lịch sử.
Nhờ sự phổ biến của các nền tảng xã hội 0 đồng này kết nối vùng sâu vùng tới hải ngoại mà người Việt đã thấy sự thua kém và hun đúc khát vọng của mình – thứ mà chỉ 30 năm trước đây thôi khó lòng cảm nhận nếu không trực tiếp đi ra thế giới.
Sự kết nối chia sẻ thành công của những người đã thoát lý khỏi lũy tre làng, nông thôn, khu vực lạc hậu thông qua mạng xã hội, giúp khắc phục nhược điểm ngại dấn thân, ngại xuất ngoại – thúc đẩy, khích lệ người Việt dũng cảm bước ra khỏi “lũy tre làng” đi vào đại dương mênh mông của những cơ hội hiện diện nơi phố thị hay ở các quốc gia phát triển. Một phong trào xuất khẩu lao động, du học đang âm thầm diễn ra, người Việt đi khắp Asean không cần visa để du lịch và tìm cơ hội.
Một cuộc cách mạng nữa về giáo dục online, giáo dục lại – thực học, khắc phục nhược điểm của hệ thống giáo dục kém – giáo dục nhân dân sẽ phát triển vượt bậc để định hình xã hội học tập – tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Làm bùng nổ sự giao thoa liên ngành tạo ra các phân khúc kinh tế mới giá trị – sự hợp nhất công nghệ ICT vào các ngành truyền thống.
Chúng ta có thể đón đầu, sử dụng sức mạnh của dịch vụ kỹ thuật số miễn phí do các ngã khổng lồ công nghệ tạo ra – vận dụng các nguyên lý mới của kinh tế dữ liệu không dây SMAC để phát triển nguồn vốn con người – tạo ra các hệ thống giáo dục chất lượng cao mà một nước thu nhập thấp cần có để tiến đến các nền kinh tế có thu nhập cao.
Chúng ta lại có một lợi thế mà Trung Quốc không có, đó là sự linh hoạt của một dân tộc không quá đông dân để có thể thay đổi tức thì những điểm yếu cốt tử, định hình căn tính dân tộc. Sự tự do về tư tưởng – các nền tảng xã hội FB, Google v.v không bị cấm đoán – phản biện xã hội chân thật hơn, hiệp đồng trí tuệ tập thể tốt hơn – xây dựng nền tảng công luận mạnh mẽ hơn, thúc đẩy dịch chuyển xã hội.
Sự kết nối sẽ giúp 5,3 triệu Việt kiều, người Việt Nam ở hải ngoại – ở đó có nhiều trí thức, nhà quản trị trình độ cao kết nối về đất mẹ để tìm những cơ hội đầu tư, cống hiến, sống cùng quê hương – bổ khuyết nhanh chóng vào sự thiếu hụt nhân lực trình độ cao.
Sự kết nối sẽ giúp mỗi người biết ưu nhược của mình, học hỏi lẫn nhau, giúp người có tài có phẩm hạnh tìm đến nhau dẫn dắt quốc dân tạo ra công luận.
Các trung tâm kết nối giá trị sẽ thúc đẩy tranh biện, làm tổng lượng tri thức toàn dân tăng trưởng nhanh hơn – thứ quan trọng hơn GDP. Độ lớn của dân tộc sẽ lớn hơn – phần đông con người văn minh hơn.
Tranh biện – Công luận soi rọi vào các góc tối, các hành vi phản tiến bộ của bộ phận giới tinh hoa thiếu đạo đức – chuyển hóa họ, giúp họ nhận thức rằng tầm vóc của một con người là “Phẩm hạnh đi cùng tài năng với trọng trách thúc đẩy xã hội tiến bộ” chứ không phải chỉ là có tổng tài sản lớn.
Người Việt Nam đã có sẵn chủ nghĩa anh hùng trong huyết quản – chỉ duy nhất nước ta – có truyền thống thờ phụng những anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước – bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ Mẫu, người che trở cho xứ sở.
“Nếu có công, lòng dân nghìn đời ghi nhớ, nếu có tội, dẫu có khắc ngàn bia đá –tượng đài, dân cũng nhổ bỏ đi. “
Chỉ khi xuất hiện giới tinh anh lấy vinh quang đất nước làm lẽ sống, lấy truyền thống tự hào dân tộc làm động cơ, lấy nhân cách và phẩm giá làm dựa cột, đứng lên làm ngọn đuốc đưa đường dẫn dắt quốc dân đi, thì Việt Nam mới có thể mang khát vọng hùng cường.
Nguyễn Tất Thành là một người như thế – đã sớm biết chặng đường sánh vai với cường quốc năm châu còn gian nan, còn nhiều khó khăn trở ngại, Người gửi lại cho hậu thế một di ngôn ở trong chính cái tên của Người – một cái tên Á Đông dựa trên giá trị truyền thống xưa cũ – là Nho giáo :
Hồ Chí Minh. Triết chữ tự Hán; 胡志明
Hồ胡: là Cổ 古và Nguyệt 月
Chí 志: là Sĩ 士và Tâm 心
Minh 明: là Nhật日và Nguyệt月
Từ điển tích cổ có ý nghĩa là :
- Trăng ngày xưa (cổ 古 nguyệt 月) thì có thể chiếu sáng ngày nay.
- Nhưng người xưa thì không thể biết chuyện của ngày nay. Chuyện ngày nay do người đang sống ở thời nay quyết định.
- Những người yêu nước 志 chí sỹ – (sĩ 士 tâm 心) phải biết chọn con đường đúng, đúng người 明 sáng (Minh) mà đi theo.
Tên của Bác có ý nghĩa kêu gọi tất cả các tầng lớp tập hợp lại một lòng vì dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
“Trăng xưa dạ tỏ lòng người, Treo gương nhật nguyệt cho đời soi chung.”
Trăng xưa – 月 + 古 = 胡 – HỒ Lòng người = Sỹ (士)+ Tâm (心) = 志 – CHÍ Nhật nguyệt = 日 + 月 = 明 – MINH
Đã giành được độc lập, công việc đời sau là gìn giữ, thể chế có thể đổi thay nhưng dân tộc là còn mãi, người Việt Nam là còn mãi nếu thực hiện được di huấn này.
Tên của Bác mang thông điệp – là nỗi lòng, lo lắng cho đời sau, và mong mỏi đời sau có hiền tài dẫn dắt quốc dân thay đổi. Một dân tộc sẽ không thể tiến lên – nếu số đông không biết xấu hổ với các hành vi văn hóa lạc hậu của mình – để bắt đầu cố gắng thay đổi, trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa và có các chuẩn mực của văn minh.
Nền tảng Nho giáo chúng ta bỏ đi không thể lấy trở lại, nhưng các giá trị văn hóa nhân bản con người Việt Nam thì vẫn vậy – nó cần một thế hệ tuổi trẻ dốc sức đúc kết, phản ánh trên nền văn hóa chữ quốc ngữ, cần nhanh chóng cô đọng – sáng tạo phương thức xây dựng và truyền tải luân lý – đạo đức mới.
Trong cái mất luôn có cái được, nền tảng chữ latin giúp người Việt học các ngôn ngữ phương Tây dễ hơn và chắc chắn sẽ kết nối, học tập dễ hơn. Từ đó xây dựng một nền học thuật hài hòa các giá trị tiến bộ từ cả 2 nền văn minh Phương Đông và Phương Tây.
Trí tuệ là thứ mà nhân loại gia tăng giá trị, luôn thay đổi, có khối lượng khổng lồ không ngừng tăng lên – đồng hành cùng sự phát triển của công nghệ, kinh tế và giao thoa văn hóa Đông – Tây 500 năm qua.
Nhưng lòng trắc ẩn, lòng biết ơn, tình bác ái, tình yêu thương thì thời nào cũng vậy, chỉ có nhiêu đó, không thay đổi, ai cũng có thể cảm nhận thấy như ai – không phân biệt màu da, tôn giáo, trình độ phát triển, Đông hay Tây – luôn là kim chỉ nam, là mỏ neo để chia sẻ các giá trị luân lý – nhân bản phổ quát, nhằm kết nối hợp tác, gia tăng Trí tuệ và chung sống hòa bình.
Một dân tộc muốn tiến lên hùng cường cần phải có trí tuệ, muốn có trí tuệ phải bắt đầu từ luân lý.
Hà Nội, 22-2-22. #DongDC Chia sẻ những gì mình biết.
Tác giả: Đông DC / Group Thịnh Vượng
Có thể bạn quan tâm

Luật Thừa Kế Đất Đai Không Di Chúc Năm 2023

Cách bắt mạch bong bóng bất động sản năm 2020 để vượt qua

Mua chung cư cuối năm, người mua nhà cần quan tâm điều gì?

Phần 2: Làn sóng bất động sản năm 2006

Phần 3: Làn sóng bất động sản năm 2016

Bất động sản 2020: Tín hiệu nóng với dự báo giá đồng loạt tăng

Phần 1: Làn sóng bất động sản năm 1996
