Phần 7-A: Trung Quốc thử thách siêu cường

Chia sẻ tin này:

Trung Quốc – Quốc gia trên đường lấy lại vị trí trung tâm của thế giới với Giấc mộng Trung Hoa của người Hán, nhưng là cơn ác mộng của thế giới Phương Tây?

Giới thiệu các bạn Bài viết số 7 PHẦN A – Trung Quốc thách thức siêu cường tiếp theo trong loạt bài 8 bài viết lược sử thịnh vượng của các cường quốc thống trị trên góc nhìn 3 cực Phương Tây (bao gồm Mỹ) Trung Quốc và Việt Nam.

Mang tới cái nhìn khái quát về kinh tế – lịch sử – công nghệ nắm bắt vận hội dựa trên sự hiểu biết về Thiên thời – Địa lợi – Nhân Hòa của mỗi người đi tìm kiếm sự thịnh vượng. Sự thịnh vượng của mỗi cá nhân – gia đình – công ty/tổ chức – cộng đồng suy cho cùng đều nằm trong sự thịnh vượng chung của quốc gia – của dân tộc.

Loạt bài viết này có 6 bài khái quát tiến trình trở lên hùng cường thành kẻ thống trị lần lượt của 6 cường quốc trong lịch sử Tư Bản : Bồ Đào Nha -> Tây Ban Nha -> Hà Lan -> Pháp -> Anh -> Mỹ và thời gian tương ứng đồng tiền của mỗi quốc gia này được dùng làm tiền ngoại tệ dự trữ của các quốc gia khác. Một bài về thách thức từ câu hỏi liệu có là siêu cường thứ 7 – Trung Quốc, bài cuối – bài số 8 cơ hội góc nhìn từ Việt Nam trong thời khắc của những sự kiện lịch sử.

Từ khi nào cái tên quốc gia được các phương tiện truyền thông Phương Tây tần suất dày đặc chỉ đích danh là “kẻ xấu”, nhằm mô tả – phác họa lên một Trung Quốc (TQ) cạnh tranh không lành mạnh, ăn cắp trí tuệ, chuyên chèn ép láng giềng, không đáng tin – cần phải tránh xa, hãy thoát Trung – thoát ra sự ảnh hưởng của Trung Quốc và cũng đồng thời lờ đi cái từng là “tội ác” của thế giới Phương Tây với phần còn lại của thế giới trong gần 400 năm cai trị, bóc lột thuộc địa với sứ mệnh mà phương Tây tự cho là cao cả : Sứ mệnh phụng sự ý Chúa – Khai sáng văn minh.?

Hay thậm chí lờ đi mặt trái của Phương Tây – đặc quyền hiện tại của nước Mỹ được in vô tội vạ đồng Dollar, và cũng “ăn cướp” tài sản tích cóp của người dân các quốc gia khác – xuất khẩu lạm phát, khủng hoảng kinh tế với tần suất nhiều hơn ra thế giới?

Mâu thuẫn này cũng giống như 2 mặt của một đồng xu, 2 mặt thiện ác của loài người –là hợp tác và đấu tranh, là bác ái và vị kỷ, ở đó có kẻ thống trị và người bị trị – thời nay là phụ thuộc vô hình thông qua các chế tài pháp lý – như 2 sắc thái âm dương, đúng và sai, hai giá trị 0 và 1 luôn tồn tại trong mọi sự vật hiện tượng mà người Trung Hoa đã biết bí ẩn từ lâu.

Kể từ khi loài người biết hợp tác cùng nhau luôn có nhóm người, dân tộc, quốc gia tinh khôn hơn thống trị, áp chế, hay gây ảnh hưởng – mức độ phụ thuộc về kinh tế, văn hóa, chính trị, tổ chức xã hội tới dân tộc, quốc gia khác.

Và người TQ biết rõ chủ nghĩa đế quốc không hề mất đi – nó chỉ giảm nhẹ, tồn tại ở một hình thái mới, phủ bóng ra ngoài một lớp vỏ hợp lý hơn với các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, chi phối tiền tệ kinh tế, công nghệ lãnh đạo bởi siêu cường dẫn đầu.

Nền tảng triết học về trị quốc – mở rộng đế quốc đã có trên 2000 năm – kết tinh không chỉ trên từng con chữ tượng hình, thành ngữ 4 chữ, 8 chữ dùng trong giao tiếp thường nhật và trên rất nhiều tác phẩm về thâu phục nhân tâm, bành trướng lãnh thổ như Đông Chu liệt Quốc, Tam Quốc v.v. mà phần đông dân chúng đều có thể hiểu và đồng lòng với giai cấp thống trị của TQ – rất giống nguyên lý “lập mục tiêu chung cho tập thể”, và “tổ chức hợp tác tập thể quy mô” trong hệ thống OKR của Google.

Từ nay Trung Quốc không sợ bị bắt nạt nữa” tức Trung Hoa ngày hôm nay đã ngang tầm – thậm chí mạnh hơn – sẽ tạo ra các liên minh, tổ chức và luật pháp quốc tế mới – làm giảm đi vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ và Phương Tây.

Với những kế hoạch tham vọng trỗi dậy hòa bình, nhưng đối chọi về chiến lược lợi ích với Phương Tây như Khối thịnh vượng chung – 156 quốc gia – thuộc cái người TQ gọi là sáng kiến Vành đai con đường đối lập với kế hoạch Toàn cầu hóa và hợp tác của Mỹ, Ngân hàng đầu tư AIIB, NDB đối lập với Worlbank, ADB và IMF, Diễn đàn kinh tế Bác Ngao đối lập với Davos, tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO lỏng lẻo đối lập với NATO mất phương hướng – mục tiêu chung, mạng lưới thanh toán đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đối lập với hệ thống giao dịch SWIFT đồng Dollar v.v.

Chắc chắn TQ sẽ dùng quyền lực mềm và cứng ngày một gia tăng của mình để gây ảnh hưởng lên thế giới. Việc tẩy chay và không công nhận, hay học hỏi gì từ sức mạnh đang lên của TQ hiện nay để từ đó đối phó hợp lý sự bành trướng của TQ – cũng giống như kinh nghiệm đau thương trong quá khứ của chính của người TQ không công nhận, tẩy chay thành tựu khoa học kỹ thuật của Anh – đế quốc số 1 thế giới Phương Tây thế kỷ 19. Và cũng giống với việc Anh quốc tẩy chay, ngăn chặn sự vươn lên của nước Đức ở thế kỷ 20 đã dẫn đến 2 cuộc chiến tranh Thế giới I và II.

Vì thế series bài này của mình – DongDC nhằm ráp những mảnh ghép lịch sử rời rạc trên cả 3 phương diện : cách mạng Công nghệ, Tiền tệ và nền tảng Triết học – hệ tư tưởng, thành 1 bức tranh toàn cảnh – sự trỗi dậy và suy tàn của các siêu cường đã từng lãnh đạo thế giới trong 500 năm qua.

Nhu cầu hiểu về TQ của người Việt – một cách sâu sắc và từ đó học hỏi những gì của hiện thực khách quan – thích ứng với sự trỗi dậy 1 siêu cường sát vách trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết.

 ⭐ Xem lại các phần trước:

Sự xuống dốc của Mỹ là tất yếu như một nguyên lý : khi ở đỉnh cao sẽ kiêu mạn, không thay đổi và mục ruỗng giá trị, suy tàn rồi sụp đổ – mở rộng đế chế luôn mang trong nó các mầm mống của sự suy thoái tương lai, quyền lực lớn sẽ dẫn tới sự bành trướng quá mức về chiến lược khi duy trì quân đội khổng lồ – khởi phát các cuộc chiến tranh rồi đối mặt với những khoản chi tiêu quá sức – vượt qua những lợi ích bên ngoài ngày một ít đi, hay giảm giá trị dần đi do sự đổi mới linh hoạt của các đối thủ bên ngoài.

Hệ thống chính trị của siêu cường sẽ rung lắc, thỏa hiệp chính trị dân chủ liên tục đổ vỡ – hình ảnh tòa nhà quốc hội Mỹ bị người biểu tình chiếm trong năm 2021 là hiện tượng chưa từng có – thể hiện một thế hệ lãnh đạo không đủ tầm vóc, sức sáng tạo để thống nhất ý chí toàn bộ quốc gia đối mặt với những thách thức của lịch sử.

Vai trò của dầu mỏ đảm bảo cho giá trị của đồng Dollar ở thế kỷ 21 không còn giống như thời kỳ khi Mỹ là quốc gia đầu tiên tìm thấy dầu, xăng và các chế phẩm từ dầu ở thế kỷ 19, độc chiếm phần lớn vùng đất dầu mỏ ở Trung Đông thế kỷ 20 – làm động lực chính cho cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần 2. Động cơ đốt trong đóng vai trò trái tim cho ngành vận tải, hàng không, sự đột phá về phương thức mới của chiến tranh cơ giới hóa.

Nước Mỹ đã đánh giá thấp TQ những năm đầu của thế kỷ 21, mở cửa cho TQ vào WTO năm 2001 nhằm khai thác thị trường, nhân công rẻ, rút dòng vốn khỏi Nhật Bản nhằm hạ bệ nền kinh tế số 2 có nguy cơ vượt Mỹ – một đồng minh thân cận suốt thời kỳ chiến tranh lạnh nhưng nay đã không còn mục tiêu chung là khống chế Liên Xô ở phía Đông, cũng là nền kinh tế phụ thuộc vào hệ thống đồng Dollar mà lẽ ra Mỹ phải tiếp tục hỗ trợ và duy trì.

Kết quả chỉ sau 20 năm gia nhập WTO, TQ đã nắm giữ trái tim công nghệ mới tạo ra đột phá cách mạng các ngành trong CMCN lần thứ 4. Và khi Mỹ muốn rút các doanh nghiệp, dòng vốn của Mỹ và Phương Tây khỏi TQ thì Mỹ đối mặt với việc : thành quả Toàn Cầu hóa đã bị TQ ngư ông đắc lợi – lấy mất.

Các tập đoàn đa quốc gia – hệ thống doanh nghiệp FDI – thành quả Toàn Cầu hóa sau 40 năm phát triển đỉnh điểm của tư bản công nghiệp, tài chính đã không còn khái niệm quốc gia dân tộc, sẵn sàng rời bỏ quốc tịch – quốc gia tới những nước khác miễn là được nhiều lợi ích hơn. Dịch chuyển doanh nghiệp FDI khỏi TQ khó khăn, chật vật và nhỏ giọt khi chính các doanh nghiệp đó thấy rằng lợi ích của mình tại TQ vẫn nhiều hơn.

Những gì đã từng làm nước Mỹ vĩ đại trong quá khứ như : đa chủng tộc, mọi sắc tộc cùng tới Mỹ, được tự do làm ăn, được phá sản làm lại, được sáng tạo và thử sai – từ đó sẽ thành công, giầu có – là giấc mơ Mỹ.

Thì nay chính những điều đó làm nước Mỹ chia rẽ từ bên trong, mâu thuẫn người bản địa với người nhập cư, giữa người siêu giầu – đỉnh cao của vị kỷ lợi ích cá nhân luôn chà đạp lên những gì là lợi ích chung, tìm cách bẻ luật giảm thuế, trốn thuế tới thiên đường thuế hay đội lốt quỹ từ thiện – với giới trung lưu ngày một thất bại, thu hẹp việc làm, giáo dục tư ngày một đắt đỏ và tụt xuống nhóm không có gì, thu không đủ chi .v.v.

Nước Mỹ ở thế kỷ 21 đã trở lên khó khăn với việc hội tụ một sức mạnh dân tộc chung – bối rối, hấp tấp khi tìm lại một căn tính chung của dân tộc Anglo Saxon trong khối liên minh quân sự AUKUS (Mỹ-Anh-Úc) – thì càng làm cho những bất mãn âm ỉ, nỗi lo bị phân biệt đối xử của người không phải là da trắng trong lòng nước Mỹ lại thêm khó giải thích và hàn gắn.

Và đó cũng là điểm gãy chiến lược của Mỹ về đoàn kết dân tộc đối đầu với khủng hoảng, tìm tới vinh quang khi đối đầu với Trung Hoa – một dân tộc với bề dày lịch sử cùng một căn tính duy nhất của một nền văn minh lâu đời.

Nhà nước Trung Hoa vẫn vẹn toàn sau 2000 năm kể từ lần đầu Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước – nếu có ngoại bang bị xâm chiếm thì cũng bị đồng hóa ngược – tới thời kỳ nhà Thanh ở thế kỷ 19 có dân số khoảng 350 triệu người chiếm 1/4 dân số, và GDP 1/3 thế giới.

Khi ấy Trung Hoa là một nền văn minh đạt đến quy mô mà thế giới chưa từng được chứng kiến trước đây. Trung Hoa có một nền kỹ nghệ chế tạo riêng, phát minh, truyền bá giấy, công nghệ in, đồng hồ, la bàn, bánh lái tàu, máy dệt vải sợi, thuốc súng v.v. trước Phương Tây từ rất lâu – thông qua con đường tơ lụa tồn tại hơn một thiên niên kỷ từ 114TCN tới năm 1450. Đế quốc thời nhà Đường (618-907) là thời kỳ đỉnh cao nhất về công nghệ, về thương mại – ngoại giao quốc tế và cả chủ nghĩa bành trướng – đế quốc.

Tuy nhiên tới đầu thế kỷ 19 đó chỉ là cái vỏ đỉnh cao, vì từ thời nhà Minh thế kỷ 14-17, tới nhà Thanh ở thế kỷ 17-19 là một đường đi ngang về % tăng trưởng nếu xét như chỉ số GDP ngày nay. Bởi lẽ sự phồn thịnh đó chỉ xây dựng trên nông nghiệp và thương mại – chưa có công nghiệp, không có thương mại quốc tế – chính sách bế quan tỏa cảng kéo dài 400 năm.

🔰 CÁCH MẠNG THÔNG TIN 1 TK15 ĐƯA PHƯƠNG TÂY VƯỢT PHƯƠNG ĐÔNG

TQ đã bắt đầu thua – ở đỉnh cao của tự mãn và tụt hậu so với Phương Tây chính là thời điểm nhà Minh ban hành chính sách cấm hải – cũng là thời điểm Phương Tây thất thủ thành Constantinopolis năm 1453 vào tay đế chế Hồi Giáo Ottoman và các học giả Phương Tây phát động thời kỳ Phục Hưng ở thế kỷ 15 – phong trào khôi phục, giải thích, tìm lại các giá trị của Hy Lạp và La Mã cổ đại, nhằm phục hồi lại vinh quang đế chế La Mã một thời đã mất.

PHỤC HƯNG giúp các quốc gia Châu Âu đã bước vào thời kỳ cạnh tranh tìm lại các giá trị triết học đầy sáng tạo từ 3 mệnh đề của 3 triết gia Hy Lạp cổ, tuần tự là thầy của nhau: Socrates (470TCN) “Đạo đức là Kiến thức”; Platon (448TCN) “Biện chứng tìm ra Kiến thức”; Aristolees (384TCN) “Kiến thức tìm ra chân lý” – là tiền đề cho ngành Triết học thực nghiệm – tiền thân cho Khoa học thực nghiệm – cha đẻ của khoa học hiện đại.

Khoa học thực nghiệm bắt đầu từ các quan sát tầm xa với kính thiên văn, quan sát tầm gần – phóng to sinh vật với kính hiển vi, đo đạc giúp các con thuyền buồm người Bồ Đào Nha vượt qua các đại dương – vùng tối chưa biết – hay “vùng ngu dốt” tìm con đường mới tới Ấn Độ để mua gia vị tẩm ướp, bảo quản thực phẩm – sống qua mùa đông, đảm bảo cho sự tồn tại của người Châu Âu.

Công cuộc chinh phục vùng ngu dốt ấy lại được hỗ trợ bởi cuộc cách mạng thông tin (CMTT)- lan truyền tri thức quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử loài người thông qua hệ thống máy in Gutenberg con lăn, xếp chữ rời với tác phẩm in nhiều nhất lúc bấy giờ 1521-1545 là tác phẩm cải cách Tin Lành của Luther Martin, cùng với các kiến thức Hy Lạp cũ đã thất lạc, kiến thức mới về toán học, thiên văn, y học v.v của người Hồi Giáo – đã bảo tồn và phát triển.

Phong trào cải cách Tin Lành kêu gọi sự TỰ DO – diễn giải ý Chúa và phụng sự Chúa theo cách của mình – tự do truy tìm sự diễn giải mới và kiến thức, nhấn mạnh việc tự học Kinh Thánh và “dạy cho nhau”.

Nghề in ấn tạo ra sách, báo chí kết hợp với dịch vụ thư tín tin cậy tạo ra một mạng lưới lan tỏa tri thức xuất sắc, rộng lớn, vĩ đại nhất của nhân loại từng có tới thời điểm đó, người “ham hiểu biết” ngày càng nhiều, làm tăng số người biết chữ, tăng lượng tri thức – kiến thức khoa học trao đổi với nhau, mở ra thời kỳ KHAI SÁNG .

Cả Phương Tây và TQ ở thế kỷ 15 trở về trước giống nhau ở đặc điểm căn bản : số người biết chữ chỉ giao động 10-15% tổng dân số, chữ viết là độc quyền của giới thư lại, quan lại – giới tinh hoa của xã hội. Nhưng từ thế kỷ 16 tới thế kỷ 18, các nước Phương Tây nhờ in ấn, đã tăng tỷ lệ biết chữ lên 70% dân số – trong khi TQ và Việt Nam ta tỷ lệ biết chữ là đứng yên trong cùng thời gian, dân số biết chữ của chúng ta thậm chí còn thấp hơn TQ chỉ khoảng 5% dân số.

Thời kỳ KHAI SÁNG lấy Khoa học làm trung tâm cho phát triển các hình thái kinh tế – xã hội, lấy cải tiến công nghệ để sản xuất ra các phương tiện, công cụ hỗ trợ tăng năng suất lao động. Và cuộc CMTT lần thứ 1 năm 1450 – mở rộng bộ nhớ ngoài cho nhân loại, truyền bá khối thông tin khổng lồ thông qua giấy in – chính là thời khắc Phương Tây ở vùng đáy mới thoát ra khỏi thời tăm tối Trung Cổ – tạo tiền đề cho kỷ nguyên công nghiệp vượt lên Phương Đông và TQ.

🔰 Thời kỳ Phục Hưng Trung Hoa ngược với Phương Tây, Phục Hưng Trung Hoa ra đời sau quá trình Cải cách Duy Tân – Khai sáng.

Thế kỷ 21, ở cuộc CMTT lần thứ 2 – mở rộng bộ não ngoài và truyền bá thông tin lên một tầm vóc lớn hơn nữa, nhanh hơn với tốc độ ánh sáng cùng với sự hỗ trợ của trí tuệ máy – trí tuệ nhân tạo thì gió đã đảo chiều.

Cũng giống như vòng quay quá khứ : Anh ở thế kỷ 19 phát minh ra động cơ, hóa, điện trong CMCN 1, nhưng Mỹ và Đức lại là người vượt lên ở CMCN 2 và 3. Những năm đầu thế kỷ 21, Mỹ phát minh ra đồ điện tử, internet nhưng TQ và Đức lại vượt lên ở CMCN 4 và 5.

Nỗi nhục “Quốc Sỉ” – thua hai cuộc chiến tranh nha phiến với đế quốc Anh (1839-1850), vua Quang Tự phát động các phong trào Tự Cường – Duy Tân 1862-1898 nhằm học theo khoa học và sức mạnh Phương Tây nhưng nhanh chóng thất bại vì chỉ trị ngọn chứ không trị gốc.

Muốn Duy Tân thì phải đập tan các giá trị truyền thống cổ hủ – không còn phù hợp, tức phải thay đổi cả chế độ mới được, mà thay đổi chế độ thì tức chống lại hệ thống quyền lực cũ – chính là Từ Hi Thái Hậu, và vì thế phong trào bị ngăn trở và dập tắt.

Và hơn nữa, một phong trào học hỏi, xây dựng trên các giá trị Phương Tây, bản thân nó “Phong trào tây hóa” phải được sinh ra ở một “hệ sinh thái có đặc điểm Tây Phương” – tức có nền khoa học, kỹ nghệ, giới thợ thủ công, thương buôn tư sản dung dưỡng cho nó tồn tại và phát triển.

Nhật Bản, cũng trải qua biến cố tương tự như “nỗi nhục quốc sỉ” chiến tranh nha phiến 1850 của TQ, sau khi đô đốc Perry tấn công vào cảng KYOTO năm 1853 ép Nhật Bản phải mở hải cảng buôn bán với Mỹ – dẫn đến giới lãnh chúa thân Phương Tây lật đổ Shogun thời Mạc Phủ, phục hồi lại Thiên Hoàng trước đó chỉ là bù nhìn lập lên triều đại Minh Trị – từ đó phát động phong trào Minh Trị Duy Tân năm 1868 thành công. Sau này năm 1906, Phan Châu Chinh Việt Nam học hỏi từ Nhật phát động phong trào Duy Tân- thất bại cùng một lý do như trên ở TQ.

Tiền đề cho triều đại Minh Trị là do các lãnh chúa phía nam Nhật đã giao thương với Phương Tây, du nhập sản xuất, hiện đại quân đội, vũ khí từ năm 1550, lần đầu tiếp xúc với tàu và súng của người Bồ Đào Nha, vẫn cử con đi du học, buôn bán trao đổi kiến thức với người Hà Lan (Tin Lành) mặc dù Nhật Bản cấm đạo và cấm cảng các nước phương tây Ki tô khác. Nhật có giới thợ thủ công, thương nhân giầu có, rồi chuyển sang làm nghề đầu tư sản xuất, cho vay v.v tức đã có thời gian 300 năm dung dưỡng cho một “hệ sinh thái” tiểu tư sản để khi đứa con “Duy Tân” được sinh ra nó đã có đủ lực lượng để ủng hộ nó sống sót và phát triển.

Năm 1900 khi Bát Quốc liên quân tấn công Bắc Kinh đốt phá Cố Cung và Di Hòa Viên dập tắt Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn – phong trào giết người Phương Tây. Cách mạng Tân Hợi năm 1911 do những người trí thức cấp tiến ở trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản TQ lãnh đạo lật đổ triều đại Mãn Thanh chấm dứt hơn 2.000 năm phong kiến TQ.

Tôn Trung Sơn – một bác sỹ, triết gia và là một người Công giáo đại diện cho giai cấp tư sản mới thân Phương Tây, được ủng hộ của Hoa Kỳ lên nắm quyền tổng thống nước cộng hòa 1912. Và câu khẩu hiệu “Vật vong quốc sỉ 勿 忘 国 耻” – chớ quên nỗi nhục của nước, được giới trí thức TQ dùng từ 1915 tới nay, và vẫn được truyền dạy trong các trường học, thề không bao giờ có thể lâm vào cảnh nhục nhã như vậy một lần nữa.

Năm 1917 Lê Nin lãnh đạo cuộc cách mạng cộng sản thành lập lên Liên Xô, thì việc tồn tại một đế quốc tư bản TQ dưới sự lãnh đạo của Quốc dân đảng ngay bên cạnh là một việc khó chấp nhận. Năm 1921 Liên Xô hỗ trợ những người nghiên cứu chủ nghĩa Marx như Mao Trạch Đông thành lập Đảng cộng sản TQ và đương nhiên ủng hộ đảng này mọi nguồn lực để nắm chính quyền.

TQ bấy giờ lớp tư sản còn ít, non trẻ không thể bằng sức mạnh áp đảo số đông của giai cấp nông dân, và một số ít công nhân với sự cuốn hút hơn về triết học – hệ tư tưởng – lý tưởng chủ nghĩa cộng sản – lấy tài sản của địa chủ phong kiến, của giới chủ tư sản chia cho dân nghèo. Kết quả Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản vừa cùng đấu tranh vừa cùng hợp tác chống Nhật Bản 1937-1945 rồi nội chiến tới năm 1949 kết thúc với phần thua của Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan. Còn Mao Trạch Đông thành lập lên nước CHND Trung Hoa.

Nhằm đuổi kịp Liên Xô và các nước Phương Tây, TQ lẽ ra phải bắt đầu phải bằng thực hiện cách mạng nông nghiệp như Ấn Độ làm nhằm giải quyết cơn đói của phần dông dân chúng đã kiệt quệ dưới sự bóc lột của chế độ phong kiến, sự tàn phá của chiến tranh. Thì chủ tịch Mao đã sai lầm triển khai kế hoạch Đại nhảy vọt (1958-1962) phát triển công nghiệp nặng như luyện kim, chế tạo máy.

Việc áp dụng các mô hình quản trị tập trung bao cấp thiếu hiệu quả, cùng với các quyết định hành chính quan liêu từ giới lãnh đạo còn thiếu tri thức khoa học : huy động nhân lực từ nông nghiệp sang công nghiệp, tàn diệt chim sẻ phá mùa màng dẫn tới đại nạn côn trùng, sâu bệnh, châu chấu, lại thêm hạn hán làm chết đói hàng chục triệu người.

Mao Trạch Đông quên rằng, Liên Xô bứt phá được về công nghiệp thành cường quốc dưới thời Lê Nin như vậy là đã có sẵn thành quả nền tảng rượt đuổi CMCN lần thứ 1,2 của Nga Hoàng 150 năm trước đó.

Kinh tế kiệt quệ dẫn đến lòng dân ly tán, nội bộ mâu thuẫn, vay nợ thêm thì lệ thuộc chính trị. Vì vậy nhằm lấy lại uy tín sau thất bại đại nhảy vọt, dẹp bỏ mâu thuẫn, loại bỏ chia rẽ từ nội bộ lãnh đạo, tranh biện xã hội, loại bỏ đối thủ chính trị, lấy lại sự tập trung quyền lực – Mao Trạch Đông tiến hành cách mạng văn hóa năm 1966-1976.

Lý do : loại bỏ tàn tích phong kiến, lề thói cũ, nâng cao năng lực sản xuất lương thực, yêu cầu cán bộ, công dân thành phố phải chuyển về nông thôn tham gia làm nông nghiệp đã phá hủy nhiều công trình văn hóa, đóng cửa các trường Đại Học.

Đồng thời TQ phát động xuất khẩu mâu thuẫn ra bên ngoài để giảm mâu thuẫn bên trong như : đòi lại phần đất thuộc Liên Xô bị mất thời Nga Hoàng, yêu sách sáp nhập Mông Cổ vào TQ. Cùng với đó là sự chia rẽ vốn có về thống nhất lợi ích địa chính trị trong khối XHCN khi Liên Xô hướng Tây – cạnh tranh với Phương Tây qua Chiến tranh lạnh, thì TQ hướng Đông – muốn lãnh đạo khu vực châu Á, cụ thể tranh giành ảnh hưởng tại Đông Dương và Indonesia v.v., dẫn đến chiến tranh biên giới Xô – Trung năm 1969.

Giống như thời điểm hiện nay là sự chia rẽ của Hoa Kỳ với EU về lợi ích địa chính trị, Hoa Kỳ cùng không còn nhiều điểm chung với EU khi lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ là cạnh tranh, cắt đứt hợp tác nhiều mặt với TQ. Ngược lại, EU lại muốn hợp tác nhiều hơn với TQ, thông qua kế hoạch Vành đai con đường TQ – giảm xung đột, tăng hòa bình khu vực Trung Đông, hạn chế dòng người nhập cư Hồi Giáo tràn vào, làm suy yếu các nước EU từ bên trong.

Một EU với dân số giảm vì già hóa, giảm sinh tự nhiên sẽ không còn giữ được thiết chế nhà nước Tin lành, Ki tô giáo như nó vốn có nếu dòng người nhập cư lớn Hồi Giáo không được ngăn chặn.

Nhà chiến lược – công dân Hoa Kỳ người Đức, gốc Do thái Kissinger nhân cơ hội chia rẽ Xô – Trung, với vai trò là cố vấn an ninh quốc gia chính quyền Mỹ đã sắp xếp cuộc gặp lịch sử giữa Nixon và Mao Trạch Đông năm 1972 tại Bắc Kinh.

Nixon hào hứng mở mắt cho Bắc Kinh thấy ngay bên kia eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông phía Hàn, Nhật tiếp giáp với thành phố Đại Liên chỉ một khoảng cách vài trăm hải lý, hay Hong Kong chỉ bên 1 con sông cạnh Thâm Quyến, bằng mũi có thể ngửi thấy mùi thịnh vượng – với “Mô hình quản trị kinh tế thị trường tự do + Dòng vốn đầu tư, công nghệ Mỹ + Thị trường của thế giới Tự Do” đã phát triển nhiều mặt còn hơn Liên Xô như thế nào.

Đặc biệt như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore xuất phát điểm cũng chỉ tương đương như TQ tại sao giờ đây sản xuất được nhiều thứ mà Liên Xô không có, người dân các nước đó ngập tràn niềm vui – tình yêu, chìm đắm những hàng hóa tiêu dùng, đồ gia dụng : ô tô che chắn nắng mưa, máy điều hòa giữ ấm, làm mát v.v. – hưởng thụ sự sung sướng khoái lạc bằng tất cả các giác quan trên thân thể chứ không phải chỉ nghe ở lỗ tai hay nhìn thấy sự sung sướng chỉ tồn tại trên các khẩu hiệu.

Năm 1976 Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, đầu năm 1979 Đặng sang Mỹ, và với món quà chiến tranh biên giới với Việt Nam cùng năm – TQ chính thức mở mối quan hệ bang giao với thế giới Tư bản, phát động chính sách Cải Cách – Mở Cửa.

Đó chính là phong trào DUY TÂN của Trung Quốc giống như phong trào Minh Trị Duy Tân trước đó hơn 90 năm của Nhật Bản – định hình lại các thiết chế xã hội, kinh tế mới như : công nhận tư hữu, tư nhân, thị trường tự do nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản TQ – mở đặc khu kinh tế Thâm Quyến 1980, rồi lần lượt Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Hải Nam, Horgos, Kashgar và hàng loạt các khu thí điểm thương mại tự do FTA sau này.

Công nghệ, dòng vốn, doanh nghiệp FDI phương Tây ùn ùn đổ vào TQ thông qua các đặc khu, trước tiên là các công ty FDI Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong thập niên 80, rồi Mỹ, Đức, Anh v.v thập niên 90 mở các trung tâm nghiên cứu – nhằm khai thác trí tuệ người TQ, nhà máy lớn– nhằm khai thác nhân công rẻ, đó chính là giai đoạn hợp tác hai bên cùng có lợi mặn nồng nhất của mối quan hệ Mỹ – Trung nhằm cô lập Liên Xô.

Thập niên 80-90, Liên Xô với các lỗ hổng cốt tử về động lực làm việc trong mô hình hóa tập trung, quan liêu, bao cấp XHCN – toàn bộ mọi hoạt động, tư liệu sản xuất đều chờ phân bổ, thiếu cạnh tranh, sáng tạo, không có công nghệ quản lý số hóa như ngày nay, quản lý chỉ bằng sức người đầy sai sót, tham nhũng đã làm năng suất lao động ngày càng giảm. Thu không đủ chi, nợ công tăng vọt, vướng vào cuộc chiến lời nguyền 10 năm với Afghanistan từ năm 1979, nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl 1986 làm rung chuyển thiết chế vốn đã mục nát. Cộng hưởng tiêu cực với sự kiện sụp đổ bức tường Berlin năm 1989, chương trình cải cách tham vọng muốn đổi mới đồng thời cả chính trị lẫn mô hình kinh tế của Gorbachev, tới năm 1991 siêu cường Liên Xô sụp đổ và nước Nga – người thừa kế tài sản Liên Xô trở thành “trọc phú” dầu mỏ, khí đốt và vũ khí như hiện nay.

Trung Quốc từ năm 1980 tăng tốc thần kỳ với tỷ lệ tăng GDP bình quân khoảng 10% trong vòng 30 năm, tới 2010 vươn lên thay Nhật thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, Mỹ mới bàng hoàng nhận ra thực tế đã đảo chiều nhanh chóng : đối thủ chung – kẻ thù địa chính trị là Liên Xô đã không còn, nhưng một đối thủ khác đã trỗi dậy còn mạnh hơn nhưng vẫn khoác một vỏ bọc không nguy hiểm của một nước đang phát triển với thu nhập đầu người mới chỉ bằng ¼ so với Mỹ.

Nhưng năng lực sản xuất công nghiệp của Mỹ thì bị thu hẹp nghiêm trọng, phần lớn doanh nghiệp trong hệ thống FDI sau 30 năm đã thuộc về các ông chủ TQ. Và người Mỹ có nguy cơ mất phần lớn thu nhập trong tương lai. Giống như Anh mất vai trò công xưởng vào tay Mỹ năm 1870, suy thoái sản xuất công nghiệp dẫn đến thất bại quân sự khi bảo vệ quyền lợi kênh đào Suez năm 1956 thì Anh mới chấp nhận chỉ còn cái bóng đế quốc huy hoàng quá khứ.

Vì bởi lẽ phần lớn người Mỹ và Phương Tây sau một thời gian dài đầu tư tại TQ thì phần lớn đã bán nhà máy để trở thành nhà đầu tư lấy lời, hoặc bị sao chép rồi cạnh tranh phải đóng nhà máy – cũng giống như các ông chủ người Anh sau khi đầu tư sản xuất công nghiệp phần lớn vào Mỹ thế kỷ cuối thế kỷ 19 thì sau đó phần lớn chuyển thành nhà đầu tư tài chính, ngân hàng lấy lời, thành quả máy móc công nghệ thì người Mỹ tiếp quản.

Cuộc rượt đuổi CMCN 2,3 và 4 của TQ là công cuộc công nghiệp hóa lớn nhất và nhanh nhất chưa từng có ở hành tinh, chỉ trong vòng 30 năm GDP của TQ tăng gấp 15 lần, nước Anh mất tới 70 năm kể từ năm 1830 để đạt tăng trưởng gấp 4 lần.

Sự phát triển ngoạn mục đó trước tiên là thời điểm Trung Quốc tham gia chuỗi cung ứng của thế giới tự do đã chớp được đúng thời cơ kết nối – tiếp bước vào sự phát triển thần kỳ Đông Á trước đó của các quốc gia láng giềng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore thập niên 1960-1990, nhận sự đầu tư, chuyển giao công nghệ của các nước này. Và kế đó, quan trọng nhất đó chính là thống nhất ý chí, tinh thần dân tộc cao độ, học hỏi chăm chỉ, lao động hăng say trong công cuộc Khai phóng – cải cách, thời kỳ KHAI SÁNG của TQ nhằm phục quốc.

Container được phát minh sử dụng phổ biến ở thập niên 60 cộng với sự phân công lao động – mạng lưới sản xuất FDI và hàng hải giá rẻ tấp lập từ Phương Tây đến khu vực này đã cho phép TQ học hỏi, sao chép, hòa nhập nhanh vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng đó chính là chính sách chuyển từ trọng thương sang trọng tiền cùng làn sóng Tân Tự Do từ thập niên 80 của chính quyền Ronal Reagan, Thatcher đã mở ra thời kỳ in Dollar không hạn chế – cho vay, đầu tư thúc đẩy khuếch tán công nghệ tới các quốc gia thế giới thứ 3 mới áp dụng kinh tế thị trường.

Tân Tự do – sáng kiến TOÀN CẦU HÓA của Mỹ đã mở màn cho làn sóng lớn dịch chuyển nhà máy từ Phương Tây sang TQ để khai thác thị trường 1,3 tỷ dân mới béo bở cùng lực lượng lao động khổng lồ nhưng rẻ mạt của TQ.

Người Mỹ và Phương Tây thời điểm đó không ngờ rằng Liên Xô sớm sụp đổ, còn TQ lại nhanh chóng học được mọi thành tựu khoa học, công nghệ, kinh tế, quân sự của mình – TQ từ chỗ là kẻ sao chép đã trở thành người khởi xướng nhiều công nghệ mới chỉ sau 3 thập niên mở cửa.

Từ chỗ là thành viên trong sáng kiến TOÀN CẦU HÓA, thì TQ trở thành kẻ sở hữu phần lớn thành quả của nó – chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành chủ nợ lớn của Mỹ, và là người thiết lập cuộc chơi – đề xuất khối thịnh vượng mới : sáng kiến VÀNH ĐAI CON ĐƯỜNG.

Quy mô kinh tế khổng lồ, sức mạnh của công xưởng sản xuất số 1 thế giới cùng với thặng dư xây dựng, thặng dư công nghệ, thặng dư thương mại lớn, khoản dự trữ ngoại tệ hơn 3000 tỷ Đô la cần tìm kiếm các kênh đầu tư mới, thị trường mới. Và như vậy việc hợp tác với các quốc gia phần đông nghèo khó cần phát triển hạ tầng giao thông lân bang ở Đông Nam Á, Trung Á nối đến địa trung hải tới các nước châu Âu và châu Phi sẽ cải tiến khả năng kết nối và tạo nhiều lộ trình mậu dịch mới trên đất liền và trên biển.

Xuất khẩu xây dựng hạ tầng, đồng nghĩa với hợp tác tài chính lớn hơn và kết hợp thị trường xuyên biên giới, đề xuất dùng nhiều hơn đồng nhân dân tệ cho thỏa thuận mua bán, mở rộng cung cấp hàng hóa cho TQ sản xuất, tất cả nhằm biến TQ thành đầu tàu – thành trung tâm phát triển kinh tế toàn cầu. Và nếu nước nào quản trị kém sẽ thành con nợ lớn, thành chư hầu kinh tế của TQ, bị phụ thuộc, bị khai thác tài nguyên, nhân công rẻ mạt, và trả phí môi trường – chi phí ẩn do ô nhiễm vì phát triển các công nghiệp.

🔰 HỢP TÁC VỚI TRUNG QUỐC ĐỂ KHẮC CHẾ LIÊN XÔ – MỸ ĐÃ TẠO RA MỘT ĐỐI THỦ CÒN MẠNH HƠN LIÊN XÔ TRÊN CẢ 3 PHƯƠNG DIỆN : KHOA HỌC GIÁO DỤC, KINH TẾ VÀ QUÂN SỰ.

Nền giáo dục Nước Mỹ tốt – tiên tiến, nhưng chỉ tốt cho số ít người giầu– giới tinh hoa Mỹ và các nước khác trên thế giới, trong đó có số đông chính là du học sinh TQ, học xong ở Mỹ phần lớn sẽ trở về xây dựng tổ quốc. Nước Mỹ đã loại bỏ – thu hẹp phần lớn khu vực giáo dục công, thấm đậm màu sắc tiền bạc vào các trường đại học hàng đầu, mở rộng nhiều quỹ đầu tư hiến tặng. Và người TQ đã tranh thủ hiến tặng tiền bạc thao túng chính sách và đưa thêm nhiều du học sinh tới Mỹ trong suốt 40 năm

Tại Mỹ, bất bình đẳng càng cao, thì người giầu càng có vị thế xuất phát điểm cao hơn khi học ở các trường tư học phí rất cao giáo dục tốt hơn, số đông người nghèo có tố chất học hành không có cơ hội, có môi trường học đảm bảo chất lượng, bởi các trường công ngày một thu hẹp. Thậm chí ngân sách dành cho nhà tù của Mỹ hiện nay còn cao hơn ngân sách toàn bộ ngành giáo dục Mỹ vì tỷ lệ tội phạm tăng cao và độ phức tạp của nền tư pháp Mỹ.

Nước Mỹ đã mở rộng trí khôn cho thế giới, nhưng lại co hẹp vườn ươm tài năng cho trí khôn của chính người dân Mỹ -trí khôn suy giảm đồng nghĩa với nghiên cứu Khoa học Mỹ bị tụt lùi.

TQ bằng cách không ngừng đầu tư mạnh cho giáo dục – tâm điểm của sản xuất trí khôn – thứ làm tăng giá trị tư bản nhân lực, mà khi bùng nổ, sức công phá còn hơn tư bản tài nguyên dầu mỏ.

Từ năm 2008 TQ đã bắt đầu thực hiện chính sách miễn hoàn toàn học phí cho học sinh tiểu học, trung học đảm bảo sự công bằng tiếp cận giáo dục cho toàn dân – từ đó tạo vườn ươm bình đẳng, rộng lớn nuôi dưỡng những nhà khoa học tiềm năng. Cộng với số tiền đầu tư cho nghiên cứu khoa học tính về giá trị cao nhất thế giới, khoa học công nghệ TQ thể hiện ở tầm vóc cao nhất nhân loại chính là – khoa học vũ trụ đã bắt kịp, thậm chí vượt những thành tựu của Liên Xô trước đây như xây dựng trạm vũ trụ riêng Thiên Cung, đáp tàu do thám mặt trăng, sao hỏa v.v.

Ở phương diện đối thủ kinh tế tiềm tàng Liên Xô luôn thua Mỹ vì không có hệ sinh thái sản xuất hàng hóa đa dạng, cạnh tranh trong khuôn khổ kinh tế thị trường tạo ra giá trị phục vụ xã hội. Nay người TQ không những cũng có hệ sinh thái sản xuất hệ sinh thái hàng hóa đa dạng như Mỹ, nhưng TQ lại dẫn đầu cuộc cách mạng sinh thái tài chính lần thứ 2 của nhân loại tiếp sau cuộc cách mạng về ngân hàng, công ty cổ phần & thị trường chứng khoán mà người Hà Lan khởi xướng năm 1600.

Chính người Mỹ – tập đoàn Bell phát minh ra “con bọ” bán dẫn transistor năm 1947, mở ra kỷ nguyên đồ SILICON “kỹ nghệ số-KỶ NGUYÊN SỐ”, tiếp sau thời kỳ đồ sắt, đồ đồng, đồ đá. Và người Nhật đã đưa thời kỳ này phát triển rực rỡ bằng các tên tuổi sản xuất hàng điện tử hàng đầu thế giới thập niên 70-90 như TOSHIBA, HITACHI, tiếp đó là người Hàn và TQ thập niên 90-2000.

Nhưng năm 2016 TQ đã đạt vị trí đứng thứ 1 thế giới về sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, tới năm 2020 dẫn đầu thế giới về thương mại điện tử, chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu và tạo ra hệ sinh thái điện tử – công nghệ tài chính số vượt trội hơn Mỹ.

Phần lớn thiết bị sản phẩm tinh vi nhất thế giới được sản xuất ra trong hệ thống cung ứng & sản xuất toàn nằm tại TQ – điều mà Mỹ dưới thời tổng thống Obama và Trump liên tục kêu gọi các tập đoàn công nghệ cao quay về Mỹ để bảo vệ giá trị công nghệ cốt lõi Mỹ, mang việc làm trở lại đã không thể thực hiện được.

Mỹ mở đầu KỶ NGUYÊN SỐ, nhưng TQ lại đạt thành tựu nhờ quy mô áp dụng để vượt lên – giống như phát minh ra công ty cổ phần, ngân hàng thương mại là người Hà Lan, nhưng người Pháp, Anh và các nước khác rượt đuổi, học theo và cải tiến bằng quy mô lớn hơn, đa dạng hơn để giành ưu thế.

Bằng cách cấm các công ty Internet, mạng xã hội lớn của Mỹ như Google năm 2010, ngăn chặn hoạt động của Facebook, nhằm bảo hộ thị trường số trong nước. Chỉ sau 10 năm nhờ sự tăng trưởng smartphone, TQ với hệ sinh thái sản xuất, hệ sinh thái điện tử quy mô hơn, đa dạng hơn đã dẫn trên Mỹ ở công nghệ khai thác dữ liệu big data vô tận – Mỹ không vào được TQ trong khi TQ lại đi ra toàn thế giới.

Ở kỷ nguyên số, data chính là “dầu mỏ số” là thứ mà ai khác thác xử lý được nó nhiều nhất phục vụ trí thông minh nhân tạo AI ngày càng thông minh hơn, sẽ thao túng được toàn bộ hành vi, thói quen sống, tiêu dùng của con người – từ đó thống trị thị trường, tạo ra các xu hướng, thao túng hành vi tiêu thụ.

Trí tuệ nhân tạo AI trung tâm của CÁCH MẠNG THÔNG TIN (CMTT) lần thứ 2 thế kỷ 21 dựa trên kỷ nguyên đồ “SILICON” của loài người – khác với CMTT lần 1 dựa trên in ấn con lăn cách đây hơn 500 năm mở ra thời kỳ Phương Tây dẫn đầu – CMTT2 sẽ cung cấp trí khôn cho Robot, hệ sinh thái số, thành phố thông minh – tối ưu nguồn lực, sử dụng tài nguyên cho một quốc gia.

Mở ra không chỉ các cuộc cách mạng kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; hay cách mạng về tổ chức xã hội, quản lý công dân – thẻ xanh di chuyển nhanh chóng khống chế các loại dịch bệnh truyền nhiễm như COVID, cách mạng quản lý công bằng phúc lợi xã hội, giáo dục, hay các cuộc cách mạng khoa học cơ bản khác như vũ trụ, sinh học, di truyền và kéo dài tuổi thọ v.v..

⚡ Xem tiếp Phần 7-B: Trung Quốc thử thách các siêu cường.

Tác giả: Đông DC / Group Thịnh Vượng

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm