Phần 5: Đồng tiền Bảng Anh đế quốc Anh 105 năm (1815-1920)

Chia sẻ tin này:

Giới thiệu các bạn Bài viết số 5 tiếp theo trong loạt bài 8 bài viết lược sử thịnh vượng của các cường quốc thống trị trên góc nhìn 3 cực Phương Tây (bao gồm Mỹ) Trung Quốc và Việt Nam. Mang tới cái nhìn khái quát về kinh tế – lịch sử – công nghệ nắm bắt vận hội dựa trên sự hiểu biết về Thiên thời – Địa lợi – Nhân Hòa của mỗi người đi tìm kiếm sự thịnh vượng. Sự thịnh vượng của mỗi cá nhân – gia đình – công ty/tổ chức – cộng đồng suy cho cùng đều nằm trong sự thịnh vượng chung của quốc gia – của dân tộc.

Loạt bài viết này có 6 bài khái quát tiến trình trở lên hùng cường thành kẻ thống trị lần lượt của 6 cường quốc trong lịch sử Tư Bản : Bồ Đào Nha -> Tây Ban Nha -> Hà Lan -> Pháp -> Anh -> Mỹ và thời gian tương ứng đồng tiền của mỗi quốc gia này được dùng làm tiền ngoại tệ dự trữ của các quốc gia khác. Một bài về thách thức từ câu hỏi liệu có là siêu cường thứ 7 – Trung Quốc, bài cuối – bài số 8 cơ hội góc nhìn từ Việt Nam trong thời khắc của những sự kiện lịch sử.

Nhiều nhà kinh tế phương Tây trước đây đã nhiều lần dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ vỡ bong bóng và sụp đổ và Mỹ không cần phải lo lắng về thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc mỗi năm, và cũng chẳng phải bận tâm số dư tài khoản vãng lai thương mại Quốc Tế, tiết kiệm ngày một tăng lên của Trung Quốc, đầu tư mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Xét cho cùng người Trung Quốc đang cung cấp cho người Mỹ những hàng hóa hữu ích – người dân Mỹ tiêu dùng, để đổi lấy tờ giấy in chân dung Washington.

Nghe có vẻ hay, nhưng thật tệ, bởi lẽ mọi dự đoán Trung Quốc sụp đổ kinh tế đều đã sai, và có vẻ như tình hình hiện tại đã giống câu chuyện đã qua của người Tây Ban Nha: “Tài sản không tốt bằng công việc, sự giầu có không tốt bằng thu nhập kiếm được”. Công việc với đại đa số dân chúng sẽ tạo lên một xã hội ngăn nắp, siêng năng, năng suất, không trông chờ cứu trợ, không dễ tổn thương – trách cứ chính phủ, kéo chính phủ vào các rạn nứt, mâu thuẫn, và oán hận.

Và hơn nữa, công việc tạo ra một quy mô cải tiến khoa học, công nghệ và một điều cực kỳ quan trọng : đó chính là VĂN MINH DÂN SỰ – kỷ luật công nghiệp tới toàn dân, tạo khát vọng cho toàn dân tộc. Từ đó những thần kỳ đột phá về công nghệ kỹ thuật hay công nghệ tài chính – tiền tệ mới sinh ra, tới lượt nó tạo bứt phá thần kỳ cho nền kinh tế để vươn tới siêu cường.

Cũng giống như các đế quốc đã qua, từng đã có hạm đội thống trị mặt biển như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, nếu không có thặng dư kinh tế bảo trợ thì những con tàu này nhanh chóng bị ghỉ sét, quyền lực quân sự sụp đổ, các hệ thống chuẩn mực – sức ảnh hưởng quốc tế của nó bị hủy bỏ – thay thế, và tất yếu một điều : Đế quốc sẽ suy tàn.

Giống như Anh ở giai đoạn mô tả dưới đây, Trung Quốc đang thông qua những đột phá trong công nghệ tài chính vượt trội so với Phương Tây. Sự đột phá này có thể so sánh với cuộc cách mạng về tài chính mà người Hà Lan tạo ra để từ một dân tộc tí hon thống trị toàn Châu Âu. Một sự thay đổi mà Mỹ và Phương Tây đã hoàn toàn bị bỏ lại phía sau, và đây chính là thay đổi quan trọng nhất trong lịch sử tài chính hiện đại thế kỷ 21: Đó chính là sự gia tăng nhanh chóng của các nền tảng thanh toán di động và tác động sâu rộng của nó trong tương lai tới đây.

Năm 2007 chỉ có 7 dịch vụ thanh toán di động như Visa, Master, PayPal v.v. Năm 2016 con số này là 277, tới năm 2020 đã có cả ngàn dịch vụ và phương thức Fintech thanh toán trực tiếp, gián tiếp. Trung Quốc đang dẫn đầu lĩnh vực này, Wechat Pay có khoảng 1 tỷ người dùng, Alipay 900 triệu. Các nền tảng của Mỹ như : nền tảng PayPal có từ năm 1998 có khoảng 250 triệu, Apple Pay thua xa với 90 triệu.

Khối lượng, giá trị thanh toán di động của Trung Quốc gấp 20 lần Mỹ, và nếu đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc phổ biến toàn cầu trong các liên minh Hợp tác kinh tế mới của nó thì Mỹ hoàn toàn bị bỏ lại phía sau. Việc người Mỹ và Châu Âu tiếp tục sử dụng tiền giấy và tiền xu cùng với sự tuân thủ không nghĩ ngợi của họ đối với sự độc quyền nhóm về thẻ tín dụng, phát hành tiền v.v không chỉ thể hiện sự cũ kỹ – rõ ràng đó chính là sự lạc hậu.

Ngày 27/3/2021 Trung Quốc ký hiệp định hợp tác toàn diện với Iran có hiệu lực trong thời gian 25 năm, một chính quyền quân sự mới tại Myamar có thể hồi phục các kế hoạch hợp tác với Trung Quốc mở nhánh con đường tơ lụa ra vịnh Bengal – Ấn Độ Dương thể hiện rõ cho quyết tâm này –một quyết tâm xây dựng hệ thống đồng minh địa chính trị – kinh tế – tiền tệ mới. Trong khi chính quyền mới của Binden loay huay ngược khác với Trump, dựng lại mâu thuẫn với Nga hòng xuất khẩu mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc bên trong ra bên ngoài, kết nối lại, tạo sự đoàn kết NATO– nhằm hội tụ lại một NATO đã lỗi thời, lỏng lẻo, chia rẽ, và mất phương hướng dịch chuyển hoạt động sang châu Á kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Có thể thấy mục tiêu của Trung Quốc : Từ đột phá thanh toán điện tử hỗ trợ cho công cuộc cách mạng chuyển đổi số, mở rộng xã hội số – công dân số này sẽ mở ra cách mạng sâu rộng đối với nhiều ngành, đặc biệt đó chính là phương cách tạo ra VĂN MINH DÂN SỰ tới toàn dân với tốc độ nhanh nhất. Nó diễn ra không chỉ tại các thành phố mà tới tận những vùng nông thôn xa xôi, khi mà tiền điện tử, thanh toán điện tử, xử lý giao dịch hành chính điện tử v.v. ở tầm mức cao nhất : trở thành một xã hội điện tử thực sự.

Một quốc gia số – xã hội số thực thụ nó sẽ mô hình số hóa quản trị các tất cả các nguồn lực quốc gia, các công trình kinh tế trọng điểm, tái phân bổ nguồn lực tối ưu thông qua các hệ thống quản trị điều phối tập trung có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo AI, bigdata để dự đoán. Điều chỉnh không chỉ toàn bộ các hành vi dân sự mà cả toàn bộ các giao dịch tài chính, dòng tiền. Tất nhiên điều này đi kèm với xâm phạm riêng tư cá nhân và hạn chế quyền tự do. Chính điều này đối ngược với nền tảng tự do của Phương Tây. Trung Quốc làm được nhưng Mỹ tự thân nó không thể làm được để tiến vào kỷ nguyên số, vì nền tảng chính phủ Mỹ xây dựng trên giá trị tự do – dân chủ.

Để có được văn minh dân sự tập trung sức mạnh tinh thần – sáng tạo của con người trở thành cường quốc dám đối đầu với Mỹ ở thế chiến II, cũng giống như người Anh, người Nhật phải đi qua phát triển công nghiệp, kỷ luật cao, một tinh thần cả dân tộc vì mục tiêu chung nhằm hưng thịnh đất nước. Ngay từ thế kỷ 16 người Nhật đã chào đón nồng nhiệt với người Phương Tây hơn Trung Quốc nhiều. Năm 1543 lần đầu tiên gặp những thương thuyền Bồ Đào Nha, người Nhật ngay lập tức nhận ra những sức mạnh to lớn từ tàu viễn dương, đại bác , súng và đồng hồ v.v của Phương Tây. Hai thế giới nồng nhiệt đón nhận nhau, mỗi bên đều nghĩ rằng mình may mắn và bên kia thật hào phóng.

Người Nhật Bản là những người ham học hỏi vì họ khát khao vô hạn với niềm tin dòng dõi Thái Dương Thần Nữ, cộng với tinh thần võ sỹ đạo Samurai vốn có đã tạo ra nền tảng trọng danh dự – khởi đầu tiến trình hình thành văn minh dân sự. Họ nhanh chóng học hỏi phương Tây về khoa học, công nghệ làm súng, đồng hồ, đóng tàu v.v. Và thời điểm cuộc cách mạng Minh Trị – Duy Tân diễn ra năm 1866-1869 thì thực tế Nhật đã có 200 năm phát triển giống như các quốc gia Phương Tây trước đó.

Một ví dụ cho sự thanh lịch – lòng trung thực – văn minh dân sự cũng chính là sự THÀNH TÍN của người Nhật Bản năm 1813 tại các vùng nông thôn xa xôi nhất – nhưng đã chằng chịt những người bán hàng rong, sẵn sàng bán nợ – để lại hàng (bỏ mối) trong những quầy nhỏ rồi trở lại thu tiền sau 1 tháng dựa trên số hàng mà quầy bán được. Danh mục hàng hóa của 1 quầy tạp hóa nhiều đến kinh ngạc khó có thể tìm thấy một cửa hàng giống như vậy ở nông thôn lục địa Châu  cùng thời điểm đó.

Phân công lao động và chuyên môn hóa thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa nông thôn và thành thị, quá trình đô thị hóa sớm diễn ra tại Châu Âu, tạo dựng kỷ luật văn minh dân sự gần như chỉ diễn ra ở Anh trong giai đoạn mình mô tả với các bạn dưới đây. Nhưng duy nhất ngoài Châu Âu chỉ có Nhật Bản cũng làm được điều tương tự.

Và nay, sự rượt đuổi tiếp theo của Trung Quốc sau hơn 40 năm tiến hành mở cửa phát triển công nghiệp thành công, đã tiến thẳng lên xã hội số để tạo lập một giá trị quan trọng trong cuộc đua hướng tới siêu cường như nước Anh đã làm trong quá khứ : Kết nối sâu sắc thành thị – nông thôn; Tạo lập VĂN MINH DÂN SỰ thống nhất ý chí, khát vọng để dẫn đầu một cuộc cách mạng công nghiệp bứt lên thành nước siêu cường.

 ⭐ Xem lại các phần trước:

Chúng ta theo dòng lịch sử sự bứt lên của đế quốc Anh đã tạo được kỷ luật công nghiệp toàn dân tộc thế nào để bứt phá thay thế Pháp và có đồng tiền siêu cường, đồng tiền thống trị và được dùng làm đồng tiền ngoại tệ dự trữ.

V. Đồng tiền Bảng Anh đế quốc Anh – thống trị 105 năm (1815-1920)

Bước đầu sơ khởi tiền đế quốc, nước Anh chậm chân hơn Bồ Đào Nha – đế quốc đầu tiên nhờ buôn bán gia vị đã đặt chân và quan hệ vững chắc với đảo gia vị khu vực In Đô, quan hệ thương mại béo bở với Trung Hoa, Nhật Bản. Anh cũng chậm chân hơn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chỉ là người đi sau khi chiếm đóng các khu vực giầu có của tại Nam Mỹ, thậm chí còn chậm chân hơn Hà Lan về giao vận, sản xuất và cung ứng hàng hóa ở phạm vi toàn cầu.

Người Anh sau những cuộc chiến tranh liên miên với các đối thủ giầu có sớm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, và thậm chí cả Pháp cũng chỉ gỡ gạc được phần nào chiến lợi phẩm, và đồ cướp bóc cũng không thể là sinh kế lâu dài. Tuy nhiên trong cái rủi chậm chân của người Anh lại có cái may, sự bất lợi – chậm chân của ngày hôm nay có thể lại là tiền đề của sức bật vĩ đại của ngày mai.

Như mình đã chia sẻ ở phần đầu tiên Người Bồ, Hà Lan đã tới Ấn Độ giao thương từ rất sớm, người Anh đến sau như những kẻ cướp bóc, họ giỏi giao chiến hơn là giao thương, nhưng rồi cũng sớm học hỏi của kẻ đi trước, họ cũng lập khu kinh doanh tại Ấn Độ (sau này người Anh mạnh lên chiếm cả Ấn Độ làm thuộc địa). Và họ phát hiện ra Ấn Độ là nơi sản xuất sợi bông và hàng dệt may tốt nhất thế giới, người Anh nhanh chóng nắm bắt cơ hội trong khi người Bồ và Hà Lan chẳng mấy bận tâm.

Bông và vải từ Ấn Độ đã tạo ra một cuộc cách mạng ăn mặc ở Châu Âu và những thuộc địa hải ngoại của nó những năm 1621-1680, vì trước đó người châu Âu chỉ mặc đồ dệt từ len. Vải lụa từ bông với thuộc tính rẻ và nhẹ hơn len, cầu kỳ hơn – có thể in nhuộm họa tiết, dễ giặt, dễ thay đổi, đặc biệt phù hợp làm đồ lót tạo cuộc cách mạng thay đổi về thói quen sạch sẽ, sức khỏe cho người Châu Âu.

Cả ngàn năm trước người Châu Âu không dùng đồ lót, ăn vận đồ len cầu kỳ, phức tạp, ít tắm, hôi hám, đến nỗi người Trung Hoa khi gặp những người Châu Âu đầu tiên gọi họ là những con quỷ mắt xanh, nhiều lông hôi hám như những con heo. Và nay người Anh đã đáp ứng một trào lưu mới – một thị trường khổng lồ thông qua phát triển thương mại công ty Đông Ấn Anh – mô hình tổ chức công ty cổ phần học từ người Ha Lan.

Và một sự chậm chân nữa những năm 1700 của người Anh khi bắt đầu khai phá Bắc Mỹ, không có nhiều mỏ vàng bạc như người Tây Ban Nha. Nơi người Anh khai phá – khu vực chủ yếu miền nam nước Mỹ hiện nay chỉ toàn thảo nguyên lại phù hợp cho người Anh mang bông từ Ấn tới đây trồng trọt và khai thác.

Cũng giống như các đế quốc thực dân khác, thực dân Anh khai thác tân thế giới tại khu vực Bắc Mỹ chủ yếu bằng lực lượng lao động nô lệ Châu Phi, nhờ đó trong xã hội đã tiến hành phân công lao động, và chuyển đổi các cấu trúc kinh tế và xã hội theo hướng gia tăng năng suất. Nhờ sự thống trị trong ngành bông vải – một mặt hàng có nhu cầu rộng rãi áp lực cho các ông chủ sản xuất người Anh phát minh ra các thiết bị tiết kiệm lao động, sản xuất được nhiều hơn, thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đó chính là máy dệt có động cơ.

Động cơ hơi nước dùng xi lanh chuyển động tịnh tiến được Newcomen phát minh tại Anh năm 1705 cồng kềnh to lớn chỉ dùng được tại nơi gần mỏ than dùng trong cán luyện thép giúp Anh là nước đi đầu chiếm thị phần lớn về gang thép, và các cỗ pháo mạnh hơn cho hạm đội. Và phải tới 60 năm sau James Watt cải tiến hiệu suất, làm cấu trúc máy nhỏ lại để có thể dùng xa hơn ở các mỏ than. Tiếp đó mất thêm 15 năm nữa để từ chuyển động tịnh tiến chuyển sang chuyển động quay tròn làm quay bánh xe công nghiệp dùng cho các máy dệt – thứ mà nước Anh đang rất cần tìm cách tăng năng suất. Từ khi có động cơ, có trái tim cho mọi cỗ máy tăng năng suất thì hệ thống đăng ký bằng sáng chế hiện đại của phương Tây cũng hình thành từ Anh.

Máy to hơn, sản xuất nhiều hơn, giá thành rẻ hơn lôi kéo người thợ đến nơi tập trung đông người làm và phân công lao động có kiểm soát bằng đồng hồ đã tạo ra một phương thức sản xuất mới đó chính là NHÀ MÁY.

Từ nay sức mạnh mới của thế giới phương Tây, ngoài đại bác, tàu viễn dương, công ty cổ phẩn, thị trường chứng khoán, ngân hàng nay đã có thêm nhà máy công nghiệp, phương thức tạo ra thặng dư hàng hóa và áp lực cải tiến thu thêm lợi nhuận – tạo cho con người những động cơ không ngừng tìm kiếm các giải pháp mới tăng thêm năng suất.

Và phải mất 25 năm sau, tới những năm 1850 động cơ mới nhỏ hơn nữa, công suất mạnh hơn để dùng cho động cơ hàng hải, kế tiếp là động cơ cho ngành đường sắt, sau này đến cuối thế kỷ 19 là nhà máy sản xuất điện – một năng lượng mới. Tổng thể sự phát triển của động động cơ hơi nước – cỗ máy tinh vi thứ 2 kế sau đồng hồ mất 200 năm.

Máy móc, động cơ làm thay đổi mọi thứ, giúp cho giới thương nhân tư bản phương Tây tiến vào một thế giới của thu nhập cao hơn, hàng rẻ hơn, tiêu dùng nhiều hơn, những thiết bị và vật liệu chưa từng được biết đến, những ham muốn vô độ “Mới, mới, mới nữa” để sinh ra “tiền, tiền, và thật nhiều tiền hơn nữa”.

Cách mạng công nghiệp lần 1 đưa thế giới đến gần nhau hơn, nhỏ hơn và đồng nhất hơn, nhà máy, công ty làm đa dạng các hoạt động tín dụng ngân hàng, làm tiền di chuyển nhiều hơn để từ đó thúc đẩy dòng chảy kiến thức – trả lời câu hỏi thường trực “kiến thức nào có thể sinh ra tiền?”, và chính kiến thức, nhất là các kiến thức hoa học – từ đó đã tạo ra các tiến bộ – kỹ thuật sinh ra thặng dư sản xuất, mở ra các triển vọng kinh tế.

Có thể nói ngành sắt, và ngành bông (một ngành mà người quý tộc Tây Ban Nha chê cười những chàng nông dân Anh trồng tại Bắc Mỹ) – là nguồn cơn từ chỗ vì chậm chân hơn phải làm đã tạo ra CMCN lần thứ 1 tại Anh, kéo dài khoảng 1 thế kỷ từ 1770 tới 1870, từ đó tạo ra ngành đường sắt, tàu thủy động cơ, đưa quá trình sản xuất, phân phối, vận chuyển hàng hóa lên một tầng cao mới : sản xuất công nghiệp tại nhà máy.

Tiếp nó, từ nơi đó xuất hiện một tầng lớp người giầu mới – ông chủ nhà máy – các nhà tư bản công nghiệp mua trái phiếu chính phủ tài trợ cho các cuộc chiến, đặc biệt chiến tranh với Pháp và giành thắng lợi năm 1815, đã đưa Anh vươn lên nước siêu cường số 1. Nước Anh và cuộc CMCN lần thứ nhất đã giúp Anh thay Pháp làm chủ nợ lớn của hầu hết các nước còn lại và đồng Bảng Anh là đồng tiền thống trị trong thời gian thời gian 105 năm (1815-1920), đồng thời cũng đã phác họa tạo ra thế giới công nghiệp hiện đại hôm nay – một nét đặc trưng văn minh dân sự vượt trội của đa phần cư dân Phương Tây so với phần còn lại của thế giới.

🔰 Tình hình Trung Quốc và Việt Nam thời điểm này :

Như đã mình đã nói nhiều ở các phần trước, cho đến tận đến năm 1800 thì Trung Hoa – Nhà Thanh là một nền kinh tế quy mô chiếm khoảng 1/3 GDP thế giới, đồng thời sở hữu một hệ thống sản xuất và thương mại dựa trên thị trường trong nước có độ tinh vi ít nhất cũng ngang với Châu Âu, thống trị trong các ngành thủ công nghiệp như dệt lụa và sứ. Mặc dù triều đình bế quan tỏa cảng hạn chế buôn bán với nước ngoài nhưng các quan triều đình và tay sai vẫn tiến hành buôn lậu với Phương Tây và thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc đã dẫn tới sự chảy máu bạc từ Châu Âu.

Người Châu Âu và Người Anh gần như không có gì có thể bán cho Trung Quốc ngoại trừ thuốc phiện. Năm 1839, sau khi quan chức nhà Thanh đốt bỏ 20.000 hòm thuốc phiện của người Anh tại Quảng Châu đã dẫn tới cuộc chiến tranh thuốc phiện vào những năm 1840-1842. Thất bại ở cuộc chiến ấy đã xác định rằng: từ nay thế mạnh truyền thống của Trung Hoa đã không còn là đối thủ của các công nghệ mới mà cuộc CMCN châu Âu đã tạo ra. Trung Hoa phải ký hiệp ước cắt Hong Kong cho Anh và cho phép Anh được tự do buôn bán thuốc phiện tại 5 cảng hiệp ước : Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba và Thượng Hải.

Và đây cũng chính là giai đoạn lịch sử người Trung Quốc khắc cốt ghi tâm 2 từ “Quốc sỉ”, cũng chính là thời khắc được nhắc lại trong lời tuyên bố mới đây của Trung Quốc : “Trung Quốc không còn là Trung Quốc của 120 năm trước, đã qua cái ngày các cường quốc dùng súng để bắt chúng tôi mở cửa”

1851-1864 Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn do các nhà truyền giáo và các nước Phương Tây hỗ trợ, tiến hành khởi nghĩa nông dân lập nhà nước thiên chúa giáo đã làm 20-40 triệu người chết đã làm nhà Thanh hoàn toàn kiệt quệ.

Tới năm 1895 Nhà Thanh thua tiếp Nhật Bản đã hạ bệ hoàn toàn uy tín Thanh triều, loạn Nghĩa Hòa Đoàn bùng nổ. Nạn cát cứ xứ quân lan ra trên toàn Trung Hoa đến khi nhà vua cuối cùng thoái vị năm 1911. Năm 1912, Tôn Trung Sơn nhậm chức tại Nam Kinh và tuyên bố thành lập nước Trung Hoa dân quốc.

Còn tại Việt Nam ta, giai đoạn này thuộc triều Nguyễn, từ năm 1816 vua Gia Long đã ra lệnh cắm cờ trên Hoàng Sa và Trường Sa, sang thời Minh Mạng đã cho xây đền, khắc bia đá. Đế quốc Đại Nam do vua Minh Mạng năm 1838 mở rộng có diện tích lớn nhất trong lịch sử, rộng hơn diện tích Việt Nam hiện nay.

Cuộc chiến Pháp xâm lược Đại Nam 1858-1884, kết thúc bằng thắng lợi của Đế quốc thực dân Pháp – thời điểm này là một trong tam cường châu Âu bao gồm Anh, Đức. Mặc dù Tự Đức cầu viện Trung Hoa năm 1874 dẫn đến diễn ra chiến tranh Pháp – Thanh 1883-1885 giành quyền chi phối Đại Nam, kết cục quân Thanh thua trận.

Người Pháp xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Đại Nam và thiết lập bộ máy cai trị. Năm 1887 Pháp chia nước Đại Nam ra làm ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ dưới ba chế độ khác nhau, cái tên Đại Nam bị xóa sổ, chỉ gọi chung là người An Nam. Mỗi kỳ có một chế độ cai trị riêng như là ba nước riêng biệt. Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp, Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ Pháp bảo hộ nhưng triều đình nhà Nguyễn trên danh nghĩa vẫn được quyền kiểm soát, bắt đầu thời kỳ Pháp thuộc trong lịch sử Việt Nam 1887-1945.

Cũng như người Trung Hoa, chúng ta một dân tộc lạc hậu hoàn toàn, và bị công nghệ của cuộc CMCN lần 1 của Phương Tây khuất phục. Tuy nhiên, sau đó dưới trào lưu giao thoa văn hóa Pháp, phổ biến các giá trị Pháp, chữ quốc ngữ đã len lỏi từ các cộng đồng giáo dân – giới tri thức mới vào trong triều đình nhà Nguyễn, kế tiếp tăng tỷ lệ biết chữ trong dân chúng giúp chúng ta dần dần thoát ảnh hưởng Nho giáo.

🔰 Phát minh – khám phá – chiến lược chủ đạo của đế quốc Anh giai đoạn này để có thặng dư kinh tế bứt lên thành kẻ thống trị : Bí quyết thành công của nước Anh, vẫn giống như Hà Lan khẳng định trước đó là : chuyên môn hóa, phát kiến đầu tư vốn – quản trị thông qua các công ty cổ phần để lương cao. Lương cao gia tăng tầng lớp trung lưu, tăng nhu cầu tiêu thụ, thúc đẩy năng suất sản xuất nhằm chiếm thị phần hàng tiêu dùng lớn trong và ngoài nước. Từ đó đóng vai trò là công xưởng của thế giới, xuất khẩu lớn để thặng dư thương mại, để từ đó chi phối phần lớn chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi công xưởng gia tăng việc làm không chỉ ở thành thị mà len lỏi tới cả các vùng nông thôn tạo ra kỷ luật công nghiệp – VĂN MINH DÂN SỰ, từ đó nâng cao ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP, giúp mang lại sản phẩm, dịch vụ cao với lương thấp.

Phát minh chủ đạo bắt nguồn từ “sự xui xẻo” phải làm nghề nông dân trồng bông ở Bắc Mỹ so với nghề đào vàng in tiền của Tây Ban Nha, từ đó làm công nhân gia công sản phẩm dệt may đã tạo tạo ra động cơ hơi nước – động cơ dùng năng lượng chính cho mọi cỗ máy công nghiệp sơ khai. Máy lớn tạo ra NHÀ MÁY, sản phẩm nhà máy cạnh tranh hơn sản phẩm làm nhỏ lẻ tại các cơ sở tư nhân, hộ gia đình, buộc họ phải vào nhà máy để sản xuất. Từ máy dệt động cơ hơi nước tạo ra các loại máy khác nhau tạo ra CMCN lần thứ nhất.

Tàu chiến đã chạy bằng động cơ, có vỏ sắt, đại bác nâng cấp các khẩu độ lớn hơn, phạm vi xa hơn làm Phương Tây tiến nhanh hơn về Phương Đông và làm một trong những nền văn minh lâu đời nhất hành tinh là Trung Hoa sụp đổ. Cùng giai đoạn này với sự xuất hiện của cỗ súng máy năm 1862 – ưu thế quân sự mới đã cáo tử vĩnh viễn lực lượng kỵ binh đã từng tồn tại nhiều ngàn năm lịch sử, và làm cho người da đỏ tại châu Mỹ không thể kháng cự, vĩnh viễn mất đi mảnh đất quê hương của mình.

Nếu trước đó chỉ có số ít công ty tầm vóc lớn như Đông Ấn Hà Lan, Đông Ấn Anh v.v. thì bây giờ vô số công ty điều hành nhà máy được sinh ra, tạo ra một thị trường cổ phiếu lớn hơn, nghiệp vụ ngân hàng phát triển cả chiều sâu (nhiều nghiệp vụ, sinh ra ngân hàng cổ phần, thời điểm này phát kiến ra các quỹ hưu trí, bảo hiểm mở rộng cung tiền) và chiều rộng (xuyên biên giới), tập trung tài lực – tư bản thân hữu. Chỉ trong 100 năm hỗ trợ tài chính công nghiệp tại Anh, Mỹ và các nước Phương Tây cung tiền toàn thế giới có khối lượng gấp đôi với khối lượng toàn bộ thời gian 300 phát triển trước đó nhờ phát kiến khoa học; và quy mô lớn cùng độ tinh vi của các nghiệp vụ ngân hàng. Thế giới tài chính từ nay ngoài gia tộc Rothschild của người Anh, xuất hiện thêm gia tộc Morgan của người Mỹ, và sự ra đời của FED (1913).

Lịch sử vẫn tiếp tục, nước Anh tiên phong trong CMCN lần thứ 1 và rất nhiểu nước đuổi theo. Nước sao chép thường bị quy kết là tình báo công nghiệp, xâm phạm sở hữu trí tuệ (thời gian này Mỹ thường xuyên bị Anh tố vi phạm bản quyền trong ngành may, nhuộm) bắt kịp và vượt qua kẻ thống trị khi đang ở đỉnh vinh quang của sự tự mãn – kiêu ngạo hay đơn giản chỉ là sự thờ ơ với các tiến bộ của công nghệ mới trong vô vàn các công nghệ mới luôn được sinh ra – nhưng ngờ đâu đó lại chính là công nghệ mang bước chuyển ngoặt.

Đó chính là các phát kiến trong ngành hóa học, hóa dầu, chế phẩm hóa chất dung môi cùng với công nghệ điện và truyền dẫn điện tạo ra động cơ điện và vô số sản phẩm liên quan tới điện – công nghệ nền tảng tạo ra cuộc CMCN thứ 2 tiếp theo đó (diễn ra song hành với CMCN 1 từ 1870 – 1914).

Ở CMCN lần 2, người Đức và người Mỹ đã vượt lên, khi người Anh coi thường năng lượng điện vì lợi ích cố hữu của các ông chủ cung cấp khí ga đã ngăn cản sự phát triển của mạng lưới điện, coi thường mạng chiếu sáng bằng năng lượng điện (do bóng đèn khi mới phát minh ra có tuổi thọ không cao). Người Mỹ phát minh điện báo bằng mật mã Morse 1838 – phương thức liên lạc thông điệp ngắn tốc độ điện đầu tiên, kế tiếp điện thoại Bell Phone 1876 đã tạo ra cách mạng truyền thông tin – tin tức đưa con người và ý tưởng, kiến thức đến gần nhau hơn.

Phát hiện ra dầu mỏ và khoan dầu đầu tiên năm 1859 tại Pennsylvaina Mỹ, từ đó tạo ra chế phẩm dầu hỏa và xăng dùng cho thắp sáng. Tới năm 1886 Kar Benz (tiền thân Mercedes Benz) tạo ra ô tô chạy xăng bằng động cơ đốt trong đầu tiên. Dẫn đầu trong CMCN lần 2 ở công nghệ điện kết hợp với hóa học giúp luyện kim tốt hơn – tạo đại bác tốt hơn, động cơ tốt hơn – lý do cơ bản để người Đức và Mỹ có xe tăng, và ô tô chất lượng hàng đầu thế giới; điện cùng dung môi trong công nghiệp hóa dầu, cao su, tổ hợp hợp chất tạo lại ra cuộc cách mạng về vật liệu mới và dược phẩm.

Và từ đây đồng vốn tư bản cùng xe lửa đường sắt, những chiếc xe ô tô chứa súng máy chạy trên bánh cao su đi tới đâu thì nhà máy– sau này ở thế kỷ 20 được nước Mỹ nâng tầm lên một tầm mốc mới (tiền thân cho hệ thống FDI hiện nay) mở rộng tới đó, khai thác nhân công và tài nguyên để từ đó lại tạo ra tiền.

Edison, Tesla là 2 nhà khoa học tạo nền tảng cho vật lý hiện đại và năng lượng điện cùng với đế chế dầu mỏ Rokefeller (Standard Oil, ExxonMobil), đế chế ngân hàng tài chính của gia tộc Morgan (GE, US Steel,AT&T), may mắn đi qua 2 cuộc chiến tranh thế giới ít tổn thất, cùng học thuyết về quyền TỰ DO cá nhân và quyền bình đẳng giữa các dân tộc – hiện thân tốt đẹp của CNTB hiện đại đã giúp Mỹ vươn lên nước siêu cường. Mình cùng các bạn sẽ tìm hiểu ở phần sau nhé : Mỹ – siêu cường của thế kỷ 20 – thời kỳ ông bà, bố mẹ và chúng ta đang sống.

⚡ Xem tiếp Phần 6: Đồng tiền Dollar siêu cường Mỹ – 100 năm (1921- ?)

Tác giả: Đông DC / Group Thịnh Vượng

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm