Phần 4: Đồng tiền Franc đế quốc Pháp 95 năm (1720-1815)
Giới thiệu các bạn Bài viết số 4 tiếp theo trong loạt bài 8 bài viết lược sử thịnh vượng của các cường quốc thống trị trên góc nhìn 3 cực Phương Tây (bao gồm Mỹ) Trung Quốc và Việt Nam. Mang tới cái nhìn khái quát về kinh tế – lịch sử – công nghệ nắm bắt vận hội dựa trên sự hiểu biết về Thiên thời – Địa lợi – Nhân Hòa của mỗi người đi tìm kiếm sự thịnh vượng. Sự thịnh vượng của mỗi cá nhân – gia đình – công ty/tổ chức – cộng đồng suy cho cùng đều nằm trong sự thịnh vượng chung của quốc gia – của dân tộc.
Loạt bài viết này có 6 bài khái quát tiến trình trở lên hùng cường thành kẻ thống trị lần lượt của 6 cường quốc trong lịch sử Tư Bản : Bồ Đào Nha -> Tây Ban Nha -> Hà Lan -> Pháp -> Anh -> Mỹ và thời gian tương ứng đồng tiền của mỗi quốc gia này được dùng làm tiền ngoại tệ dự trữ của các quốc gia khác. Một bài về thách thức từ câu hỏi liệu có là siêu cường thứ 7 – Trung Quốc, bài cuối – bài số 8 cơ hội góc nhìn từ Việt Nam trong thời khắc của những sự kiện lịch sử..
Các nhà kinh tế học hiện nay đã cảnh báo thời đại chúng ta, đầu TK 21 với nhiều tiến bộ thành tựu về khoa học kỹ thuật, con người không còn chết đói nhiều như trước, nhưng dường như vòng quay lịch sử đang lặp lại về bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội. Chúng ta đang sống ở thời kỳ mà tài sản được phân chia không khác gì thời Pharaon Ai cập cổ đại hay thời Louis XIV trước cách mạng Pháp.
Năm 2014, Oxfam công bố 1 báo cáo gây chấn động rằng 85 người giầu nhất thế giới sở hữu khối tài sản ngang với 3,5 tỷ người nghèo nhất. Báo cáo ước tính nửa dân số trái đất chỉ nắm giữ 1% tài sản, trong khi 10% dân số trưởng thành giầu nhất lại chiếm hơn 86% tài sản. Mỗi năm gần đây thu nhập nhóm 1% giầu nhất tăng 20%, trong khi thu nhập 99% dân số còn lại chỉ tăng 1%.
Riêng trong năm 2020 khủng hoảng covid, thất nghiệp tràn lan toàn cầu, thu nhập giảm sút, thậm chí nhiều quốc gia, khu vực bị tái đói nghèo thì top các tỷ phú công nghệ đứng đầu trong ngành công nghệ, tài chính, ngân hàng tài sản đều gia tăng mức trung bình 50%, một con số tăng kinh hoàng hơn so với cả khi không có covid. Có nghĩa là khi càng khùng hoảng thì người siêu giầu lại giầu có hơn, vì đó là bản chất – một khiếm khuyết của CNTB.
Và khi những người có lương tri đã dừng lại và tự vấn, nhìn nhận thấu suốt bản chất vận hành của nền kinh tế – chính trị – xã hội hiện nay một câu hỏi lớn : “Phải chăng người siêu giầu đã tạo ra một hệ thống khiến chúng ta thỏa mãn khi tiếp cận những thông tin bằng mắt qua các chương trình truyền thông, tivi, internet, concept media bọc đường, các xu hướng tiêu thụ không thể từ chối, không kìm hãm được tính dục thôi thúc, ham muốn – nhu cầu đi vay nợ để sở hữu chúng. Đồng thời phần đông chúng ta, những “thần dân” lại bị sao nhãng bởi nhiều thứ khác như các cuộc tranh cãi vô bổ được seeding có chủ đích, những hình thức giải trí rẻ tiền, trào lưu bắt chước hình ảnh những vị thánh kinh doanh tài ba v.v mà quên mất họ lấy đi những gì của chúng ta.
Sự kiện chiến tranh thương mại Mỹ – Trung suốt thời kỳ Tổng thống Mỹ Trump phát động và đỉnh của cao trào trong năm 2019, đầu năm 2020 đã xuất hiện kỳ Thiên Nga Đen – thảm họa kinh tế toàn cầu tác động bởi Ncovi đã lột tả lỗ hổng khuyết tử kinh điển của CNTB cao bồi – Cowboy Capitalims do Mỹ lãnh đạo cũng như thực trạng nội lực hiện nay của kinh tế Mỹ.
Đó là CNTB vì lợi nhuận có thể chấp nhận mọi thứ, bất kể là gì. Vì lợi nhuận các doanh nghiệp của Mỹ và Phương Tây đã chuyển hết công việc sản xuất cho Trung Quốc, và chỉ nắm giữ một mắt xích số khoa học then chốt ít ỏi như siêu chíp bán dẫn (vẫn có thể bị sao chép vượt qua), tập trung vào lãnh vực tài chính đầu tư, cho vay, thao túng tiền tệ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
CNTB bắt nguồn từ Phương Tây, phát triển rực rỡ nhất chính là ở giai đoạn cách mạng chống lại nền quân chủ Anh khai sinh nước Mỹ và cách mạng Pháp đưa ra được những khái niệm Tự do – Bình Đẳng – Bác ái. CNTB đó đã từng trải qua những giai đoạn phát triển sáng tạo, nhiều phát minh, thịnh vượng, và đan xen cả sự bóc lột nên đã dẫn đến sự đối đầu với khối XHCN và chiến thắng khi nó tự thay đổi hoàn thiện, quan tâm tới phúc lợi công nhân hơn qua lập các tổ chức công đoàn.
Thắng lợi trước sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng lần này, đứng trước đối thủ già gân hơn – Trung Quốc, liệu CNTB có cách tân và đổi mới vượt trội 1 lần nữa?. Phải chăng thế giới của chúng ta vẫn luôn cần 2 thái cực để mỗi thái cực tự thân nó lại luôn phải tự thay đổi để tiến bộ hơn?
Trung Quốc trải qua gần 40 năm đổi mới, học theo phương thức sản xuất kinh doanh TBCN phát triển kinh tế thành công xưởng số 1 thế giới hiện nay, đã tước đi phần lớn việc làm của người dân Mỹ và Phương Tây. Nước Mỹ đã không còn duy trì được năng lực cạnh tranh là giành thị phần thế giới và nâng cao mức sống trung bình người dân. Từ một nước xuất khẩu nhiều nhất sau thế chiến I,II giờ thành nước nhập khẩu nhiều nhất và thường xuyên thâm hụt thương mại.
Phương Tây đang gặp rất nhiều khó khăn, mất dần sức mạnh và ảnh hưởng lên thế giới, phải chịu những gánh nặng như tăng trưởng chậm, thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công nặng nề tỷ lệ tiết kiệm thấp, đạo đức nghề nghiệp suy giảm và tội phạm tăng v.v gây ra bởi một nền tài chính – tiền tệ tiến hóa hỗ trợ kiếm tiền tối đa cho người giầu – số rất ít những người thông minh nhất.
Phần lớn thu nhập và tài sản tập trung vào môt nhóm người sẽ làm giảm cầu tiêu dùng, hậu quả là kinh tế ảm đạm. Nếu kinh tế gia tăng phát triển hơn, cầu tiêu dùng nhiều hơn thì lại làm giàu cho nước sản xuất phần lớn hàng hóa đó chính là Trung Quốc. Tầng lớp lao động và trung lưu phải dùng thẻ tín dụng để chi trả cho nhu cầu cuộc sống, nợ ngày càng nhiều lên. Đặc biệt văn hóa tiết kiệm, sở hữu nhà của người dân Châu Á cao hơn người Phương Tây nhiều, càng làm cho nền kinh tế của Mỹ và Phương Tây hiện nay dễ tổn thương hơn bao giờ hết.
Và khi một nền kinh tế mà làm cho người dân trung lưu và người nghèo cứ nghèo đi, người giầu cứ giầu lên như giới tăng nữ, quý tộc Châu Âu giai đoạn nước Pháp đạt đỉnh cao ở thế kỷ 18 thì một điều tất yếu sẽ xảy ra : đó là những cuộc cách mạng, là bất ổn chia rẻ ở bên trong, là nổi dậy về quân sự, hay sự hình thành những nền tảng khái niệm mới, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về giai đoạn này ở phần kế tiếp theo đây.
⭐ Xem lại các phần trước:
- Phần 1: Đồng tiền Esudo đế quốc Bồ Đào Nha 80 năm (1450-1530)
- Phần 2: Đồng tiền Peso đế quốc Tây Ban Nha 110 năm (1530-1640)
- Phần 3: Đồng tiền Guiders đế quốc Hà Lan 80 năm (1640-1720)
Chúng ta theo dòng lịch sử sự bứt lên của đế quốc Pháp và đồng tiền siêu cường, đồng tiền thống trị và được dùng làm đồng tiền ngoại tệ dự trữ.
IV. Đồng tiền Franc đế quốc Pháp – 95 năm (1720-1815)
Pháp cũng là là một cường quốc lâu đời ở Châu Âu, và Đế quốc thực dân Pháp thực sự bắt đầu năm 1605 cũng bắt đầu khai thác thuộc địa tại Bắc Mỹ – Tân Thế Giới gọi là Tân Pháp chính là khu vực Canada ngày nay với phần đông người dân nói tiếng Pháp, tiếp sau đó ở khu vực béo bở hơn là Tây Ấn, một số nước Châu Phi.
Khi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tập trung chống các đội quân “cướp biển” của hải quân hoàng gia Anh, sự suy yếu của Hà Lan trước cả hải quân Anh và Pháp, thì nước Pháp nhân cơ hội này đã vươn lên vị trí siêu cường Châu Âu. Trong khoảng thời gian từ năm 1720 đến năm 1815, nước Pháp đóng vai trò quan trọng trên cục diện chính trị quốc tế, ảnh hưởng sâu sắc tới các nước khác như Hà Lan, Ireland, Ba Lan, Ý,… và là trung tâm của các phong trào trí thức.
Khoa học của nước Pháp đã dẫn đầu thế giới. Phần lớn các tác phẩm văn hóa và chính trị đều được viết bằng tiếng Pháp, và được các nhà trí thức thuộc nhiều quốc gia tìm đọc và các ý tưởng, sáng kiến, phát minh của người Pháp được các dân tộc khác trên thế giới theo dõi và bắt chước. Tiếng Pháp trở thành một ngôn ngữ quốc tế, dùng cho các nhà trí thức và giới quý tộc của nhiều quốc gia tại châu Âu.
Nước Pháp với dân số 24 triệu người vào giữa thế kỷ XVIII, là miền đất giàu có và đông dân bậc nhất Châu Âu bấy giờ dưới quyền một chính phủ trung ương, trong khi nước Đức láng giềng còn bị chia rẽ, đế quốc Nga mới chỉ bắt đầu phát triển, thậm chí tổng dân số của cả nước Anh và Scotland cũng chỉ khoảng 10 triệu người. Kinh đô của nước Pháp, Paris, tuy nhỏ hơn so với thành phố London về diện tích, nhưng lại rộng gấp hai lần các thành phố Viên và Amsterdam. Tiền vàng của nước Pháp được lưu hành khắp châu Âu và chiếm một nửa số lượng ngoại tệ giao dịch, trong khi lượng hàng hóa xuất cảng từ Pháp qua các nước châu Âu khác lớn hơn nhiều lượng hàng hóa từ nước Anh.
Đến cuối thế kỉ XVIII, nước Pháp vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế (đứng đầu là vua Louis XVI). Xã hội chia thành ba đẳng cấp: Tăng lữ, Quý tộc và Đẳng cấp thứ ba. Hai đẳng cấp đầu tuy chỉ chiếm số ít trong dân cư, nhưng được hưởng mọi đặc quyền, đặc lợi, không phải nộp thuế, có nhiều bổng lộc và giữ những chức vụ cao trong chính quyền, quân đội và Giáo hội, và đặc biệt nắm giữ phần lớn tài sản của đất nước.
Đẳng cấp thứ ba gồm nhiều giai cấp và tầng lớp: tư sản mới nổi, nông dân, bình dân thành thị. Họ phải chịu mọi thứ thuế và nghĩa vụ, song không có quyền lợi chính trị và bị lệ thuộc vào những đẳng cấp có đặc quyền. Và như vậy cuộc cách mạng giành độc lập của Mỹ 1776 và cuộc cách mạng tại Pháp 1789–1799 lật đổ vua Louis XVII lãnh đạo bởi Tư sản đã mở đầu cho CNTB hiện đại.
Có thể thấy sự lo lắng của những người nông dân, người làm công ăn lương, và các cá nhân ở mọi tầng lớp đang chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng của thời đại Khai sáng do các nhà Tư sản mới nổi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và lý luận triết học, in ấn – công cụ truyền thông sơ khai. Xoáy vào tình trạng nợ quốc gia không thể kiểm soát nổi, có nguyên nhân từ việc tăng thêm gánh nặng của một hệ thống thuế rất lớn, đã hội tụ sức mạnh để giành quyền lực từ giới quý tộc hoàng gia, tăng lữ vốn đã cầm quyền liên tục hơn ngàn năm trước đó.
Điều này chúng ta có thể thấy tương tự một mối nguy âm ỷ mà trong năm 2021 Mỹ muốn làm một cuộc cải cách toàn diện về thuế để có thể giảm núi nợ công hậu Covid, và cân bằng hố sâu tài sản, giảm mâu thuẫn xã hội với “giới tăng nữ” BigTech? liệu Mỹ có thành công?
Đỉnh cao nổi tiếng nhất của đế chế Pháp thời kỳ này là Napoléon đã tự phong làm Hoàng Đế của nước Pháp năm 1804 sau cuộc cách mạng Pháp và đã tạo ra một đế quốc trải rộng khắp miền tây và miền trung của châu Âu trong 16 năm tất nhiên với nhiều thuộc địa trên cả thế giới từ Tân Thế Giới, Châu Phi và Ấn Độ v.v..
Napoléon và chính quyền mới đã nghĩ ra rất nhiều cải cách hữu ích kể cả việc thiết lập nên một chính quyền trung ương vững mạnh, hữu hiệu, đã duyệt xét lại và tổ chức lại hệ thống luật pháp của nước Pháp thành bộ luật hữu lý. Nhiều công trình cải tiến hành chính của Napoléon vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay trong các cơ chế chính quyền của nước Pháp và tại các quốc gia theo ảnh hưởng và văn minh Pháp trong đó tất nhiên cả Việt Nam ta. Tới khi Napoléon thua trong trận Waterloo nổi tiếng năm 1815 trước liên quân Anh – Phổ (tiền thân nước Đức) thì nước Pháp mất vị trí siêu cường vào tay nước Anh.
🔰 Tình hình tại Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ này
Trung Quốc thời kỳ này thuộc đã thời kỳ nhà Thanh kéo dài 250 năm (1644-1912) có nguồn gốc Mãn Châu. Một tộc du mục nhỏ khoảng 1 triệu người đã thu phục một quốc gia hàng trăm triệu người, tý hon như người Hà Lan có thắng lợi thần kỳ giành độc lập khỏi đại quốc Tây Ban Nha vậy. Như vậy có thể nói đây là giai đoạn củng cố quyền lực và bị đồng hóa ngược của dân tộc Mãn kém văn minh hơn vào dân tộc Hán. Một nền khoa khọc có nhiều phát kiến sớm đã trở lên tụt hậu tới mức thất truyền nhiều thành tựu trong suốt thế kỷ 17-18.
Năm 1793 Khi hoàng đế Càn Long lần đầu nhận quà biếu mừng sinh nhật của nước Anh nhưng coi là cống vật vẫn như thói ngạo mạn thường thấy của các hoàng đế Trung Hoa khi tiếp xúc với các đoàn sứ giả phương Tây đã viết : “Giờ đây công lao và đức hạnh của Trẫm hẳn đã tới bờ biền xa xôi của họ, nước Anh đã phải tỏ lòng kính trọng, những quà tặng là thiết bị lạ của họ thật tầm thường, nhưng Trẫm vẫn hào phóng gia ân cho họ”.
Triều đình và người Trung Hoa hoàn toàn thờ ơ với sức mạnh phương Tây là tàu biển, đại bác, súng, đồng hồ, máy in v.v. ngoại trừ người Nhật và…cướp biển. Và Trung Hoa đã hoàn toàn bị bỏ lại phía sau với thái độ kiêu mạn phủ nhận tất cả những cái mới từ bên ngoài.
Trung Hoa và Việt Nam bị ảnh hưởng bởi giáo lý Nho Gia sâu sắc, lễ giáo tổ chức xã hội hoàn toàn tuân thủ những giá trị cổ xưa, ngăn cản xuất hiện những tư tưởng mới từ trong trứng nước bởi các mưu đồ triều chính. Nơi đổi mới được coi là nhứng hệ lụy, nguy cơ gây bất ổn trật tự cũ và quản lý xã hội. Không có đề xuất nào mà không bị ngáng đường, không có gì mới lạ mà không gieo rắc lỗi lo sợ cho các lợi ích cố hữu. Hơn nữa, ở tất cả các cấp, nỗi sợ bị khiển trách (hay tệ hơn) lớn hơn cả triển vọng được khen thưởng. Một ý tưởng tốt mang lại vẻ vang cho cấp trên; còn một sai lầm, lúc nào cũng vậy luôn là nỗi lầm của cấp dưới.
Việc bóp nghẹt động cơ và nuôi dưỡng sự giả dối là một điểm yếu đặc trưng của bộ máy quan liêu lớn kiểu triều đình phong kiến, hay giai đoạn áp dụng chủ nghĩa cào bằng Trung Hoa và Việt Nam. Các quan, các đồng nghiệp,người đồng chí hướng trên danh nghĩa, đáng lẽ cùng hợp tác, nhưng thực ra lại là đối thủ. Họ cạnh trạnh nội bộ không bằng các ý tưởng của môi trường tự do tạo ra tiến bộ mà trong một thế giới khép kín của thủ đoạn và mưu mẹo để loại bỏ nhau, bất chấp sự ảnh hưởng hay phá bỏ các mục tiêu chung vì đất nước.
Cùng với Nhật Bản, Triều Tiên ở giai đoạn này chúng ta đã tạo thành 1 trong những dân tộc châu Á đông dân nhất (ngoại trừ Trung Quốc), diện tích lớn, Việt Nam nếu gộp cả đàng Trong với Đàng Ngoài đã kéo dài tới Hà Tiên, tiếp giáp Campuchia. Có thể nói văn minh Đông Á đứng đầu là Trung Quốc thì có Nhật Bản, Việt Nam và Triều Tiên (nay là Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên) có mô hình tổ chức nhà nước kiểu Trung Hoa và nền tảng văn hóa kế thừa xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử tập quyền trung ương tổ chức xã hội, sản xuất, quân sự chặt chẽ hơn các nước Đông Nam Á thời đó như Thái, Lào, Campuchia, Mã Lai, In đô.
Thời kỳ này Việt Nam chúng ta tạm coi như là thuộc nhà Tây Sơn (1778-1802) với sự chuyển giao nhà Lê cho nhà Tây Sơn với việc tướng Nguyễn Huệ lấy công chúa Lê Ngọc Hân năm 1786 để hợp thức hóa cho Nguyễn Huệ dẫn quân ra bắc lấy cớ phù Lê diệt Trịnh. Sau khi diệt được chúa Trịnh, đại thắng quân Thanh năm 1789 đại Đống Đa – Thăng Long (do Lê Chiêu Thống xin vua Càn Long xuất quân can thiệp), lên ngôi Hoàng đế thì Quang Trung và nhà Tây Sơn tiến hành truy kích nhằm tiêu diệt chúa Nguyễn Ánh.
Trong cuộc chiến chống lại triều đình Tây Sơn, Nguyễn Ánh giành được nhiều sự giúp đỡ của người Pháp, đặc biệt là giám mục Pigneau de Béhaine để củng cố quân đội và tạo cho mình một thế đứng vững vàng. Vua Quang Trung của Tây Sơn đột ngột qua đời năm 1792, nhà Tây Sơn rơi vào cảnh “cốt nhục tương tàn”, triều đình nhanh chóng suy yếu và mất lòng dân.
Nguyễn Ánh ra sức tấn công và đến năm 1802 đánh bại hoàn toàn Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, lập ra triều đại nhà Nguyễn. Sau khi diệt xong nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn vẫn có quan hệ tốt với Pháp, đặc biệt, những người Pháp như Chaigneau, Vannier và Despiau làm quan tại triều, nhưng lại hoàn toàn thờ ơ với việc cách tân dân tộc, và học hỏi các kỹ thuật hay mở mang bang giao buôn bán với các nước phương Tây.
Ngày nay, có nhiều người theo trường phái lạc quan cho rằng nếu như Quang Trung không chết thì Việt Nam có thể lấy lại lưỡng Quảng (hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc), hoặc có thể tự cường quân sự và bằng khả năng thiên tài quân sự có thể chống được xâm lăng của Pháp, không nhu nhược như nhà Nguyễn.
Thực tế là nếu nhìn nhận lại lịch sử một cách khách quan thì Nhà Tây Sơn giai đoạn này mạnh chính là có xuất thân đất võ Bình Định, khả năng quân sự tài ba, có giao thương với nhiều thương thuyền phương Tây, buôn bán với cả các lực lượng cướp biển như Trịnh Nhất (chồng Trịnh Nhất Tẩu – nữ cướp biến khét tiếng nhất thời kỳ này), mua trang bị nhiều loại vũ khí mới. Và xuất xứ nhà Tây Sơn đã từng là cướp biển tới nay vẫn còn gây tranh cãi. Lịch sử cũng ghi chép súng nhà Tây Sơn nhỏ gọn uy lực mạnh có thể đặt trên lưng voi, đó chính là những vũ khí mới của phương Tây.
Giai đoạn này cướp biển Trung Hoa và Việt Nam trang bị còn tốt hơn thủy binh của triều đình nhà Thanh (Trung Hoa), vua Lê hay của chúa Trịnh, chúa Nguyễn, vì họ giao thương với Phương Tây, còn chính quyền phong kiến thì đóng cửa, ngăn chặn thông thương buôn bán. Tại Việt Nam chỉ có hai thương điếm phương Tây (văn phòng & nhà kho) đã được dựng lên ở Phố Hiến (Hưng Yên): thương điếm Công ty Đông Ấn Hà Lan (1637-1700) và thương điếm Anh (1672-1683).
Và có thể thấy trên bình diện nội lực quốc gia thì nếu Tây Sơn thống nhất đất nước thì có 2 khả năng : khả năng thứ nhất như vốn có, có thể sẽ mở rộng bang giao, buôn bán, mở cửa hơn với Phương Tây và kế tiếp con đường như một nước Nhật đổi mới thời Minh Trị. Còn khả năng thứ 2, nếu đối đầu, cho dù có chuẩn bị thật tốt thì cũng vẫn bị Phương Tây khuất phục, vì họ đã có sự vượt trội về chênh lệch tiến bộ của 2 nền văn minh.
🔰 Phát minh – khám phá – chiến lược chủ đạo của đế quốc Pháp giai đoạn này để có thặng dư kinh tế bứt lên thành kẻ thống trị như đã nói ở trên chính là Pháp đã nhân đà Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha suy yếu khi chiến tranh với Anh. Pháp nhân cơ hội làm suy yếu Anh bằng cách hỗ trợ Mỹ giành độc lập từ Anh.
Ngành ngân hàng Phương Tây đã phát triển đột phá ở giai đoạn này để huy động vốn cho các cuộc chiến lớn. Khi người Hà Lan chuyển từ tự vệ sang bành trướng đế quốc thì núi nợ của họ cũng ngày một chất cao hơn. Ai ở đỉnh cao rồi cũng phải đi xuống, chiến tranh chỉ có thể xảy ra nếu chính phủ huy động được tiền để thanh toán cho nó, và thị trường nợ chính phủ – trái phiếu chính phủ là nơi huy động chủ đạo.
Nathan Rothschild gốc Do Thái, con trai của một người buôn đồ cổ và môi giới hối phiếu ở Frankfurt đã buôn lậu vàng kết hợp buôn hàng dệt qua lại từ Đức tới Anh, tới năm 1811 mới bắt đầu kinh doanh ngân hàng tại London. Và trở thành cánh tay nối dài cho hoàng gia Anh vận chuyển vàng lậu trả tiền cho đồng mình và lính đánh thuê trên toàn châu Âu chống lại nước Pháp – Napoléon, đồng thời là nhà môi giới phát hành, buôn bán trái phiếu cho nhiều hoàng gia.
Sau chiến thắng của Anh trước Pháp đã đưa gia tộc này thống trị ngành ngân hàng, tạo lập những chuẩn mực hệ thống ngân hàng hiện đại của châu Âu trong suốt 100 năm sau đó hỗ trợ tín dụng, cách mạng về phân phối vốn hiện đại suốt thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 1 diễn ra tại Anh.
Waterloo là đỉnh cao của hơn 2 thập niên xung đột, không chỉ là trận đánh giữa 2 đội quân, mà còn là cuộc tỷ thí giữa hai hệ thống tài chính đối địch nhau : hệ thống thứ nhất của Pháp dưới thời Napoléon dựa vào việc cướp bóc, đánh thuế vơ vét tài sản những kẻ bị chinh phục (giống như các đế quốc trước đó như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha); hệ thống kia của Anh dựa trên phát hành trái phiếu chính phủ khối lượng lớn (vay nợ từ những người bảo trợ có niềm tin vào chính phủ Anh). Và cuối cùng Pháp đã thất bại.
Như vậy tiến bộ cách mạng trong ngành tài chính ngân hàng hiện đại do anh em nhà Rothschild khởi xướng và Công nghệ quan trọng nhất của Châu Âu thời kỳ này là động cơ hơi nước đã nâng cao năng lực cơ khí hóa các nhà máy khai thác than dùng trong luyện thép, chạy máy dệt, và bắt đầu áp dụng trong nâng cao năng lực vận chuyển đường thủy, và là động lực chính cho cuộc CMCN lần thứ nhất : phát triển mạng lưới đường sắt, vận tải biển dùng động cơ bất chấp gió mùa hay thời tiết. Động cơ làm mọi khoảng cách càng trở lên ngắn lại, và hàng hóa di chuyển trao đổi nhiều hơn, xa hơn, động lực chính của thịnh vượng.
⚡ Xem tiếp Phần 5: Đồng tiền Bảng Anh đế quốc Anh 105 năm (1815-1920)
Tác giả: Đông DC / Group Thịnh Vượng