Luật Thừa Kế Đất Đai Không Di Chúc Năm 2023

Chia sẻ tin này:
Luật thừa kế đất đai không di chúc là một trong những nội dung mà nhiều người quan tâm. Lý do bởi vì đất đai hiện nay được xem là tài sản thừa kế giá trị nhất đối với người Việt. Tuy nhiên, khi không có di chúc, tài sản này được chia như thế nào để tránh tranh chấp?

1. Vai Trò Của Luật Thừa Kế Đất Đai Không Di Chúc

Theo quy định của pháp luật, mọi cá nhân đều có quyền lập di chúc nhằm mục đích định đoạt, để lại tài sản của bản thân cho người khác, đồng thời cũng có quyền được hưởng tài sản theo di chúc hoặc theo pháp luật quy định.

Tài sản này có thể là của riêng cá nhân, cũng có thể là chung với người khác và khi người sở hữu tài sản chết, chính là thời điểm mở thừa kế. Địa điểm mở thừa kế là nơi cá nhân có tài sản cư trú cuối cùng trước khi chết, cũng có thể là nơi có phần lớn hoặc toàn bộ tài sản.


Cá nhân vừa có quyền lập di chúc để lại tài sản, vừa có quyền thừa hưởng tài sản người khác để lại

Tuy nhiên, không ít trường hợp cá nhân có tài sản chết đột ngột hoặc chết mà không lập di chúc hay di chúc không hợp pháp,… Lúc này, cần đến quy định của pháp luật về quyền thừa kế không di chúc.

Như trên đã nói, hiện nay ở Việt Nam, đất đai được xem là loại tài sản giá trị nhất và thường xuyên xảy ra tranh chấp. Chính vì vậy, luật thừa kế đất đai không di chúc ra đời với những quy định rõ ràng, cụ thể, hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thừa kế đất đai.

2. Luật Thừa Kế Đất Đai Không Di Chúc Được Thực Hiện Trong Những Trường Hợp Nào?

Trước khi tìm hiểu về các trường hợp áp dụng quyền thừa kế đất đai không có di chúc, hãy cùng làm rõ một số khái niệm liên quan.

Theo quy định của pháp luật thì quyền thừa kế có thể được hiểu một cách đơn giản là sự chuyển dịch của tài sản, từ người đã chết cho người còn sống. Mọi cá nhân đều có quyền thừa kế tài sản và thừa kế có thể được thực hiện theo pháp luật hay theo di chúc.


Tài sản có thể dịch chuyển từ người đã chết cho người còn sống theo hình thức thừa kế

Việc thừa kế đất đai nói riêng, tài sản nói chung được thực hiện cụ thể như sau:

– Nếu theo di chúc thì việc thừa kế này được thực hiện theo như mong muốn thể hiện trong di chúc của người đã chết.

– Một số trường hợp sau đây thì việc thừa kế sẽ được thực hiện theo pháp luật (thừa kế không di chúc):

  • Đối với những vấn đề ở di chúc:

    • Người chết không để lại di chúc.
    • Có để lại nhưng di chúc này không có tính hợp pháp.
  • Đối với vấn đề ở người thừa kế:

    • Người được quyền thừa kế theo di chúc chết cùng thời điểm hoặc trước người lập di chúc.
    • Vào thời điểm mở thừa kế, cơ quan, tổ chức được hưởng không còn tồn tại.
    • Người được chỉ định thừa kế lại từ chối hoặc mất quyền hưởng tài sản.
  • Đối với vấn đề ở tài sản:

    • Phần tài sản để lại không nằm trong di chúc.
    • Phần di sản trong di chúc không còn hiệu lực pháp luật.

3. Nội Dung Cụ Thể Của Luật Thừa Kế Đất Đai Không Có Di Chúc

Khi nói tới luật thừa kế đất đai không di chúc là nói tới việc chia đất đai để lại theo hàng thừa kế chứ không theo chỉ định của người sở hữu tài sản. Cụ thể, bộ Luật Dân sự năm 2015 đã quy định như sau:

Về thứ tự thừa kế

Thứ tự người thừa kế được quy định dựa vào sự gần gũi về quan hệ với người đã chết, cụ thể là:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm các đối tượng: vợ, chồng, cha, mẹ đẻ, cha, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người đã chết.

– Hàng thừa kế thứ hai, gồm các đối tượng: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

– Hàng thừa kế thứ ba gồm các đối tượng: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.


Nếu không có di chúc, việc phân chia tài sản được thực hiện theo hàng thừa kế

Về mặt quyền lợi

Những người thuộc cùng một hàng thừa kế có quyền lợi như nhau, tức là được hưởng phần tài sản để lại bằng nhau. Trường hợp những người thuộc hàng thừa kế trước không còn một ai, từ chối nhận thừa kế hoặc không có quyền hay bị truất quyền hưởng di sản thì mới đến người ở hàng thừa kế sau.

Trong trường hợp tài sản để lại chung với người khác, chẳng hạn của hai vợ chồng thì nếu một trong hai người chết, phần tài sản này sẽ được chia đôi. Trong đó, tài sản được chia thừa kế là tài sản của người đã chết.

4. Thủ Tục Thừa Kế Đất Đai Không Có Di Chúc

Đất đai có thể được thừa kế, chuyển nhượng, cho thuê hoặc trao tặng khi đảm bảo một số điều kiện sau:

– Người trao tặng, cho thuê, chuyển nhượng hoặc trao quyền thừa kế phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với thửa đất đó.

– Đất không đang trong diện xảy ra tranh chấp hoặc bị kê biên để phục vụ thi hành án.

– Đất còn thời hạn sử dụng.

Cùng với đó, những người được thừa kế cần đảm bảo một số điều kiện như sau:

– Không thuộc diện bị kết án vì có hành vi xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm hoặc hành hạ hay thực hiện các hành động ngược đãi nghiêm trọng đối với người để lại di sản.

– Không thuộc diện vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người để lại di sản.

– Không thuộc đối tượng bị kết án do hành vi cố ý xâm phạm tới tính mạng của người thừa kế khác để đạt được mục đích hưởng toàn bộ hoặc một phần di sản của người đó.

– Không thuộc diện có hành vi lừa dối, ngăn cản hoặc cưỡng ép việc lập di chúc của người để lại di sản. Đồng thời, cũng không có các hành vi tác động tới di chúc, chẳng hạn như sửa chữa, hủy, che giấu để được hưởng tài sản trái với ý của người để lại di sản.

Mặc dù vậy, nếu người thừa kế thuộc các diện trên mà người để lại di sản biết, vẫn cho hưởng thì di chúc vẫn được thực hiện.

Để được thừa kế đất đai không di có di chúc, sau khi đã thực hiện việc chia thừa kế theo pháp luật, bạn cần hoàn thiện một số loại giấy tờ, chẳng hạn: thủ tục nhận di sản, thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

5. Chia Thừa Kế Thế Nào Nếu Một Người Không Đồng Ý?

Thực tế đời sống cho thấy, trong quá trình chia thừa kế đất đai, không ít trường hợp có người không đồng ý. Lúc này, tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà cách giải quyết khác nhau.

Khi chia theo luật thừa kế đất đai có di chúc

Nếu di chúc hoàn toàn hợp pháp mà một người không đồng ý thì trường hợp này được giải quyết như sau:

– Nếu người không đồng ý là người không có tên trong di chúc: vẫn chia bình thường bởi di chúc vẫn có giá trị.

– Người không đồng ý có tên trong di chúc: nếu không nhận, phải làm thủ tục từ chối và cam kết rằng việc từ chối không phải vì mục tiêu để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản với người khác.


Pháp luật là căn cứ để xử lý mọi tranh chấp đất đai

Khi chia theo luật thừa kế đất đai không di chúc

Đầu tiên, vẫn ưu tiên hình thức các bên có liên quan thực hiện thỏa thuận nhằm đạt tới kết quả chung mà không ảnh hưởng tới hòa khí.

Nếu việc thỏa thuận không thực hiện được, có thể nộp đơn cho Tòa án nơi có di sản. Tòa án sẽ giải quyết dựa trên các căn cứ về pháp luật.

Có thể nói, thừa kế là một lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp và có thể liên quan tới quyền lợi của nhiều người, nhiều bên khác nhau. Vì thế, tìm hiểu các thông tin về quy định của pháp luật đối với vấn đề này rất cần thiết cho mỗi người. Để cập nhật thêm những thông tin, kiến thức về luật bất động sản, luật đất đai mới nhất, hoặc những kinh nghiệm mua bán nhà đất hữu ích, mời độc giả theo dõi tiếp các bài viết mới trên website trong chuyên mục Pháp lý nhà đất.

Theo Hà Linh / batdongsan.com.vn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm